Sáng 29/3, trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok, Youtube… tràn ngập hình ảnh và clip ghi lại cảnh một con cá heo đang bơi ở khu vực Hang Luồn trên Vịnh Hạ Long. Hình ảnh này khiến cho rất nhiều người dân và du khách vô cùng thích thú. Không ít người cho rằng, việc cá heo vui đùa giữa làn nước biển trong xanh, giữa những dãy núi khiến cho Vịnh Hạ Long đẹp và thơ mộng như chốn bồng lai tiên cảnh.
Hang Luồn nằm trong tuyến tham quan số 2 theo hành trình bãi tắm Soi Sim, Titop, hang Sửng Sốt, động Mê Cung, hang Bồ Nâu, hang Luồn, hang Trống, hang Trinh Nữ, hồ Động Tiên của tuyến tham quan Vịnh Hạ Long.
Người quay được hình ảnh cá heo bơi lội trên mặt biển là anh Bùi Trọng Anh (nhân viên làm việc trên Du thuyền Essence Grand). Anh Bùi Trọng Anh cho biết: Vào khoảng 7h, ngày 29/3, tôi thấy có cá heo bơi lội trên mặt nước biển, sau đó khoảng 10 phút thì lặn xa dần. Mặc dù gắn bó với công việc dịch vụ trên Vịnh Hạ Long hơn 13 năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi may mắn được chứng kiến cá heo bơi ở giữa Vịnh Hạ Long như vậy. Đây chắc chắn là một trải nghiệm có một không hai đối với tôi.
Theo các chuyên gia, cá heo là một loài động vật vô cùng thông minh, khi nó đã xuất hiện ở vùng biển nào thì chứng tỏ ở vùng biển đó môi trường và các hệ sinh thái biển trong khu vực rất khỏe mạnh, như hệ sinh thái san hô, cỏ biển… Và nguồn lợi thủy sản của vùng đó còn dồi dào nên cá heo mới xuất hiện để kiếm ăn. Bởi lẽ, theo thuộc tính, cá heo thường di chuyển theo các con mồi và thức ăn của chúng thường là những loại cá nhỏ.
Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường biển với Di sản thiên nhiên thế giới đã 3 lần được UNESCO công nhận, cũng là một điểm du lịch hút khách bậc nhất của cả nước, công tác bảo vệ môi trường Di sản luôn được tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long đặt lên hàng đầu. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng, lồng ghép phương án bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt đối với Khu bảo vệ 1 của di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa, vùng lõi của Di sản thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023.
Đồng thời, tỉnh yêu cầu các sở, ngành kiểm tra, giám sát nghiêm việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu vực vùng đệm của Di sản; nghiêm cấm tuyệt đối việc khai thác đá, cát, thảm thực vật quý hiếm, các nguồn lợi thủy sản trên Vịnh; tăng cường liên kết vùng – ngành quản lý Di sản.
Trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, toàn bộ các dự án đầu tư trên Vịnh được yêu cầu thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Di sản văn hóa; toàn bộ chất thải phát sinh phải được thu gom, xử lý đảm bảo quy định.
Đặc biệt, nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên biển và ven biển, nhất là việc cần phải giảm thiểu chất thải nhựa, phao xốp trôi nổi trên Vịnh, 3 năm trở lại đây các địa phương đã tập trung xóa bỏ, thay thế toàn bộ phao xốp trong NTTS bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã thực hiện 19 đợt giám sát công tác bảo vệ môi trường. TP Hạ Long cũng đã huy động hàng nghìn lượt người ra quân phối hợp với các lực lượng liên quan triển khai tháng cao điểm thu gom, xử lý rác thải, nghiên cứu chặn rác ngay từ nguồn, không để trôi nổi ra ngoài Vịnh. Đồng thời, thường xuyên duy trì các hoạt động giám sát định kỳ chất lượng môi trường, giám sát các hoạt động kinh tế – xã hội trên và ven bờ Vịnh Hạ Long, kịp thời tham mưu báo cáo và đề nghị các đơn vị liên quan xử lý các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Việc thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước vịnh Hạ Long hàng quý theo mạng điểm quan trắc, trong đó có các điểm tiếp giáp giữa vùng Di sản và các vị trí đang diễn ra các hoạt động công nghiệp cũng được các cơ quan chức năng duy trì và thực hiện thường xuyên, đảm bảo cảnh báo kịp thời trong trường hợp các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép.
Ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Không chỉ xuất hiện ở trên Vịnh Hạ Long, trước đó, ngày 27/3,tại vùng biển Vân Đồn (gần Cảng tàu quốc tế Ao Tiên) đã xuất hiện hai chú cá voi trắng quẫy đuôi, bơi trên mặt biển. Riêng đối với vùng biển Cô Tô, từ năm 2023 đến nay cũng liên tục xuất hiện nhiều đàn cá heo, cá voi, hải âu… Gần đây nhất, ngày 20/1, đàn cá heo lên tới khoảng 30 con nổi lên khá lâu trên mặt biển tại khu vực đảo Cô Tô. Những loại động vật quý hiếm xuất hiện ngày một nhiều cho thấy, môi trường biển của Quảng Ninh và của Vịnh Hạ Long đang ngày càng trở nên trong lành. Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hài hoà, văn hóa đặc sắc của mỗi vùng, miền sẽ tạo nên cho Quảng Ninh những sự khác biệt riêng có.
Những nét đặc sắc riêng có của Quảng Ninh cũng đã được bà Laura Ayres, Giám đốc Điều hành Công ty Clipper Ventures khẳng định sau khi cuộc đua thuyền buồn vòng quanh thế giới Clipper Race 2024 kết thúc chặng đua tại Vịnh Hạ Long: Đường đua tới Vịnh Hạ Long là một trong những chặng đua mà mọi thủy thủ đều thích và cực kỳ mong đợi trong suốt cuộc đua này. Khi thuyền cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vào rạng sáng, không gian Vịnh mở ra với cảnh thiên nhiên lộng lẫy của di sản thế giới đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với tôi cũng như những tất cả mọi thành viên của cuộc đua của mình. Chúng tôi đã có cơ hội được ngắm nhìn những hình ảnh cực kỳ xinh đẹp khi mặt biển dần sáng rực lên trong ánh nắng sớm và những hòn đảo nhấp nhô trên sóng. Hạ Long chắc chắn là nơi chúng tôi quay lại trong những lần tiếp theo.