Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh lấy chủ đề công tác là “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”. Trong bối cảnh vừa trải qua thiệt hại nặng nề do bão số 3 Yagi gây ra, ngành nông nghiệp Quảng Ninh xác định quyết tâm cao, sẵn sàng đối mặt và khắc phục khó khăn cũng như đón nhận, phát huy những cơ hội phát triển mới. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT xung quanh nội dung này.
– Đối với Quảng Ninh, theo ông, cơ sở, nền tảng nào để ngành nông nghiệp tỉnh nhà sẵn sàng “nhập cuộc”, đạt và vượt những chỉ tiêu cụ thể đã đề ra của ngành?
+ Như đã biết, năm 2024, do thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi), các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tuy không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm nhưng đã hoàn thành cao hơn mục tiêu kịch bản tăng trưởng điều chỉnh. Tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản cả năm đạt 0,08%, tăng 0,04% so với mục tiêu của kịch bản tăng trưởng điều chỉnh. Cụ thể lĩnh vực trồng trọt đạt diện tích gieo trồng cây hàng năm 62.922ha; sản lượng lương thực cây có hạt đạt 212.055 tấn. Lĩnh vực chăn nuôi, đàn trâu 24.046 con, đàn bò 24.284 con, đàn lợn 269.875 con, đàn gia cầm 5.693 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 102.987 tấn. Lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích trồng rừng tập trung đạt 15.272,3ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 1.152.291m3. Lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 166.044 tấn.
Kinh tế nông nghiệp có bước phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng công nghệ cao. Thể hiện qua việc Quảng Ninh đang có nhiều vùng sản xuất tập trung, bắt đầu hình thành, duy trì các khu vực trồng trọt hữu cơ, vùng canh tác được cấp mã số. Trong năm xuất hiện ngày càng nhiều mô hình canh tác nông nghiệp trong nhà kính, nhà màng, áp dụng các hệ thống giám sát côn trùng, tưới nước tiết kiệm. Tỷ lệ cơ giới hóa trong canh tác đạt trên 80%. Năm 2024, dự án Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà (Công ty Greentech) đã nhập 562 con, đang làm thủ tục nhập tiếp 1.661 con (1.650 nái và 11 đực), tổng nhập là 2.223 con. Cùng với đó toàn tỉnh đã thành lập mới 162 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp toàn tỉnh là 710.
Riêng lĩnh vực thuỷ sản phát triển theo hướng bền vững, chú trọng nuôi biển. Toàn tỉnh có diện tích nuôi nội địa toàn tỉnh khoảng 32.092ha, diện tích nuôi biển khoảng 10.200ha. Số cơ sở nuôi trồng thuỷ sản đạt 11.252 cơ sở. Đầu tháng 4/20024 Quảng Ninh tổ chức thành công Hội nghị nuôi biển, qua đó đã thu hút được 74 tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đầu tư nuôi biển (30 doanh nghiệp và 44 HTX) có đề xuất các dự án nuôi biển. Cùng với đó thì năm 2024, lĩnh vực lâm nghiệp phát triển bền vững, quan tâm bảo vệ, quản lý, sử dụng rừng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, đặc biệt công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, giữ vững thành quả xây dựng nông thôn mới và gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền. Hiện toàn tỉnh đang có 91/91 xã đạt chuẩn NTM, 54/91 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25/91 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 5/7 huyện đạt các tiêu chí, chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó huyện Đầm Hà và Tiên Yên là 2 huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM nâng cao.
– Ông cho biết phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp năm 2025?
+ Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2021-2025; năm diễn ra nhiều ngày lễ kỷ niệm trọng đại của Đảng, đất nước, dân tộc; năm tiến hành đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là năm chúng tôi dự báo tình hình thế giới, khu vực, các vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh,thiên tai, biến đổi khí hậu… tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến khó lường.
Sở NN&PTNT triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đang tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, để sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi); bám sát thực tiễn và dự báo tình hình năm 2025, thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 2/12/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 237/NQ-HĐND ngày 6/12/2024 của HĐND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và chủ đề công tác năm là: “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới” cũng như thực hiện Quyết định số 3568/QĐ-UBND ngày 9/12/2024 của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025. Mục tiêu tổng quát của ngành nông nghiệp Quảng Ninh năm 2025 là: Đẩy mạnh cơ cấu lại, nhanh chóng phục hồi sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp sau bão số 3; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Toàn ngành triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia gắn với Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy, trong đó chú trọng củng cố, giữ vững thành quả xây dựng NTM, thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên phạm vi toàn tỉnh. Các đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp cơ cấu lại, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa lớn, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP; phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đông Triều, Đầm Hà, Tiên Yên. Ngành nông nghiệp cũng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh; khẩn trương giao khu vực nuôi biển theo quy hoạch bảo đảm công khai, minh bạch; tập trung phục hồi rừng sau bão số 3 trên cơ sở rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với điều kiện thực tiễn; tập trung trồng rừng cây gỗ lớn (lim, giổi, lát, quế…) và một số loại cây phù hợp (tre, cây ăn quả, dược liệu)… theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Tỉnh ủy; tăng diện tích rừng có chứng chỉ rừng; thúc đẩy phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với du lịch sinh thái.
Đặc biệt năm 2025, ngành nông nghiệp Quảng Ninh sẽ bằng nhiều cách thu hút và nâng cao hiệu quả lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm lâm sản, thủy hải sản, lấy đây là một giải pháp bứt phá, tăng tốc giá trị của ngành. Chỉ tiêu cụ thể của từng lĩnh vực sản phẩm sẽ là: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành đạt 3%. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng 62.221ha, sản lượng lương thực cây có hạt 215.860 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm 5.852.500 con; sản lượng thịt hơi các loại đạt 103.000 tấn; diện tích trồng rừng tập trung 31.847ha, trong đó diện tích trồng rừng phòng hộ 2.724ha, diện tích trồng rừng sản xuất 29.123ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 1.058.660m3, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42%, nâng cao chất lượng rừng; tổng sản lượng thủy sản 175.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản 77.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản 98.000 tấn.