Từ năm 2013 Quảng Ninh ưu tiên dồn lực để xây dựng một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại, tương xứng với tiềm năng cũng như tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó mô hình thí điểm trung tâm hành chính công (HCC) – mô hình đầu tiên trong nước, là bước cụ thể hóa quan trọng đầu tiên của tỉnh trong chiến lược đẩy mạnh CCHC, thu hút nguồn lực đầu tư. Đến nay sau 10 năm đi vào hoạt động, mô hình đã phát huy hiệu quả rõ nét, mang lại niềm tin, sự hài lòng cho tổ chức, công dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Mô hình thí điểm đầu tiên trong nước
Năm 2013 được xác định là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Quảng Ninh tiếp tục cụ thể hoá 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định từ đầu nhiệm kỳ, nhằm tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình tăng trưởng mới. Với chủ đề công tác năm “Cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực”, tỉnh ưu tiên dồn nguồn lực để đặt những “viên gạch” đầu tiên, xây dựng nền móng vững chắc cho một trong những khâu trọng yếu, then chốt trong tiến trình phát triển mới, tạo tiền đề cho cả một chặng đường thành công rực rỡ về sau.
Với quyết tâm chính trị cao, đầu năm 2013 BTV Tỉnh ủy ra quyết định thành lập BCĐ Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và trung tâm HCC do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban; đồng thời thành lập, đưa mô hình trung tâm HCC tỉnh và 5 trung tâm HCC các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả, Vân Đồn, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2014.
Sau một thời gian ngắn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mô hình cho thấy thực sự là bước đột phá, đi đầu cả nước về công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa nền hành chính, được Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đánh giá cao, đặc biệt là được nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp ghi nhận, đồng tình ủng hộ. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ chính thức cho phép thí điểm thành lập Trung tâm HCC tỉnh Quảng Ninh trực thuộc UBND tỉnh. Đến ngày 31/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì mô hình Trung tâm HCC trực thuộc UBND tỉnh và đổi tên thành Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh Quảng Ninh.
Mô hình được thành lập, đi vào hoạt động thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong việc hướng tới một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại, tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thu được nhiều kết quả tích cực.
Từ năm 2014 đến nay, số TTHC tiếp nhận và giải quyết tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh tăng từng năm: Năm 2014 là 15.211 hồ sơ; năm 2023 là 158.965 hồ sơ, tăng gấp 10,4 lần. Cùng với đó chất lượng giải quyết TTHC không ngừng được nâng lên. Phương thức giải quyết được nâng cấp từ trực tiếp lên trực tuyến mức độ 1, mức độ 2, mức độ 3; “4 tại chỗ”, “5 tại chỗ”; hiện tại là “5 bước trên môi trường điện tử”. Thời gian giải quyết được rà soát, cắt giảm từ 40-60% so với quy định của trung ương, tỷ lệ trước và đúng hạn từ 99,2-99,9%… Mức độ hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân về TTHC từ năm 2015 đến nay tăng dần từ 97-99%.
Các kết quả đánh giá công khai và được xử lý là kênh thông tin quan trọng để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị HCC, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng phục vụ, nâng cao sự tin tưởng và hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Khẳng định tính ưu việt, phù hợp với yêu cầu đổi mới
Sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh ngày càng khẳng định tính đúng đắn và sự ưu việt trong việc xây dựng được một tổ chức đủ mạnh, một đầu mối tập trung duy nhất giúp UBND tỉnh kiểm soát toàn bộ quy trình giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương toàn tỉnh. Đồng thời thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong cải cách TTHC phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và người dân; cải thiện tích cực môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới phương thức, phong cách làm việc, thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), đánh giá: Quảng Ninh đã tìm ra những sáng kiến, giải pháp mới để đưa công tác CCHC vào thực tiễn cuộc sống, trong đó mô hình trung tâm HCC được đánh giá là đột phá và hiệu quả nhất. Nhờ mô hình này, quy trình giải quyết TTHC được công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc trong từng bước, đảm bảo không có khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết; kết quả giải quyết được trả đúng và trước thời gian theo quy định. Người dân, doanh nghiệp có công cụ theo dõi, giám sát quá trình giải quyết hồ sơ TTHC, biết chính xác thời gian được nhận kết quả và được xin lỗi, thông báo lý do nếu hồ sơ trễ hạn; giảm phiền hà, chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân không phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, nhiều cấp chính quyền để giải quyết công việc, ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu, cửa quyền. Đây là niềm tự hào của Quảng Ninh và lợi ích thiết thực nhất mô hình này đem lại chính là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện, hoạt động của Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh ngày càng cho thấy hiệu quả, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2016 hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung được Quảng Ninh xây dựng, cung cấp đầy đủ thông tin về danh mục các TTHC, thẩm quyền giải quyết, chi tiết hồ sơ, quy trình, thời hạn giải quyết, phí, lệ phí… của cả 3 cấp chính quyền. Đây là cổng dịch vụ công thứ 2 trong toàn quốc được công bố, công khai kết quả giải quyết TTHC từ cấp tỉnh đến cấp xã trên Cổng thông tin của Chính phủ.
Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành đưa 908 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 73,2%) và 332 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 26,7%). Đồng thời cung cấp nội dung chi tiết, xây dựng quy trình giải quyết nội bộ cập nhật lên hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh; tích hợp, kết nối 1.240 dịch vụ công trực tuyến này lên Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối tài khoản thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến tại 100% trung tâm HCC cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Năm 2016 tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến của Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh chỉ đạt 2,3%, đến năm 2023 đạt 72% (tăng gấp 31,3 lần)…
Đến nay hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã kết nối với 8 cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành và kho dữ liệu điện tử của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh đã cung cấp kết quả điện tử của 100% TTHC đủ điều kiện để đồng bộ lên kho dữ liệu, giúp người dân có thể tái sử dụng và khai thác dữ liệu điện tử trong kho Cổng dịch vụ công quốc gia khi nộp hồ sơ trên Cổng dịch công trực tuyến của tỉnh. Đồng thời thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo hướng không yêu cầu người dân cung cấp lại thông tin đối với các nội dung, thông tin có trong cơ sở dữ liệu đã được chia sẻ.
Đội ngũ CBCCVC tham gia quy trình giải quyết TTHC được trang cấp đầy đủ chữ ký số cá nhân; các sở, ban, ngành, địa phương được trang bị đủ chứng thư số thứ 2, quản lý tập trung có hiệu quả đồng bộ với con dấu thứ hai tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh để giải quyết TTHC theo quy trình “5 bước tại chỗ” và “5 bước trên môi trường điện tử”, giúp tiết kiện thời gian và nâng cao chất lượng giám sát quy trình TTHC của các đơn vị, địa phương. Dịch vụ chữ ký số cá nhân và thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt được tăng cường, đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Quảng Ninh đạt được rất nhiều thành tựu nổi bật trong các mặt kinh tế – xã hội, trong đó Trung tâm Phục vụ HCC có nhiều đóng góp quan trọng. Giai đoạn tăng trưởng kinh tế của tỉnh được duy trì ở mức 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023) cũng là giai đoạn mà tỉnh liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng các chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính.
Nổi bật nhất là 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí quán quân Chỉ số PCI; năm 2021 đứng ở vị trí thứ nhì và 5 năm (2017-2020 và 2022) đứng ở vị trí thứ nhất Chỉ số PAR Index; 4 năm liên tiếp (2019-2022) đứng ở vị trí thứ nhất Chỉ số SIPAS; năm 2020 và 2022 đứng đầu về Chỉ số PAPI.
Năm 2022, Quảng Ninh xác lập kỷ lục là địa phương duy nhất trong nước cùng lúc dẫn đầu cả 4 chỉ số quan trọng phản ánh công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ người dân, doanh nghiệp.