Xu hướng giới trẻ mặc áo dài chụp hình Tết “lên ngôi” năm nay, giúp kinh doanh trang phục truyền thống bùng nổ dịp này.
Lê Công Tuấn, chủ hai cửa hàng áo dài nam tại TP HCM, cho biết đều đặn ba tháng qua, mỗi tháng bán được khoảng 5.000 áo qua kênh offline và online. “Tháng Chạp năm ngoái, tôi bán được khoảng 1.000 áo. Như vậy, doanh số tháng này tăng 5 lần so với Tết năm ngoái”, anh nói.
Theo Tuấn, năm nay khách hàng có xu hướng chuộng áo dài kiểu xưa, như áo ngũ thân truyền thống, chất liệu linen, đũi, thay vì các dáng thiết kế cách tân như mọi năm.
Không chỉ Tuấn, nhiều cửa hàng thời trang hoặc chuyên kinh doanh áo dài chứng kiến doanh số bùng nổ dịp Tết năm nay. Thống kê của Metric – nền tảng chuyên đo lường số liệu thương mại điện tử, cho biết người Việt đã chi 41,5 tỷ đồng để mua gần 245.000 chiếc áo dài trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo trong tháng 12/2023 – thời điểm hai tháng trước Tết Nguyên đán 2024. Mức này tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước đó.
Theo các đơn vị kinh doanh, cơn sốt chụp hình áo dài để chào xuân, đón Tết năm nay bùng nổ hơn trước, kéo theo nhu cầu mua, thuê trang phục truyền thống tăng vọt.
“Áo dài đẹp”, “áo dài cách tân” hay “mẫu áo dài” là những từ khóa phổ biến được người dùng tìm kiếm dịp cận Tết, theo dữ liệu của nền tảng đo lường xu hướng mạng xã hội Social Trend.
Các yếu tố trên giúp ngành kinh doanh trang phục truyền thống phát triển. Trên các sàn online, doanh thu mặt hàng áo dài năm 2023 đạt hơn 196.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với 2022. Năm qua, có 2.200 nhà bán hàng cung cấp ra thị trường 894.000 áo dài, theo Metric.
Tại Shopee – một trong các sàn thương mại điện tử lớn, top 10 nhà bán áo dài chiếm 11% doanh thu ngành hàng này. Trong đó, shop lớn nhất bán được hơn 31.100 chiếc một năm, thu về hơn 7,4 tỷ đồng.
Lê Công Tuấn nói bán áo dài bội thu một phần nhờ hiệu ứng lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội. “Một nửa khách hàng đến với chúng tôi chưa từng mặc áo dài bao giờ, nên năm nay thấy nhiều người mặc thì muốn thử”, anh cho biết.
Khảo sát của nền tảng lắng nghe mạng xã hội Buzzmetrics cũng cho thấy điều này. Cụ thể, “chụp ảnh” là chủ đề được thảo luận nhiều thứ 3, sau “mua sắm” và “lì xì” vào thời điểm người Việt chào đón Tết Giáp Thìn. Cùng đó, từ khóa “áo dài” trở thành biểu tượng thú vị của sự kết nối giữa thế hệ trẻ và di sản văn hóa dân tộc.
Năm nay, phân khúc giá 200.000-500.000 đồng mỗi chiếc áo mang lại doanh thu cao nhất, theo Metric. “Khách chọn mức giá tầm trung, dao động 300.000-500.000 mỗi chiếc rất nhiều. Chúng tôi có thời điểm tạm khóa bán hàng trên các sàn vì may không kịp”, chủ một thương hiệu áo dài tại TP HCM chia sẻ.
Chi 300.000 đồng cho bộ áo dài hồng cánh sen, Trân Nguyễn nói đây là quyết định hợp lý về tài chính, mục đích sử dụng. “Giá áo dài không đắt hơn trang phục mặc hàng ngày, nhưng chụp hình rất phù hợp với không khí và bối cảnh truyền thống ngày Tết. Tôi cũng tận dụng nó để diện trong ngày Mùng 1”, Trân cho biết.
Vài năm gần đây, thời trang áo dài được quảng bá, tôn vinh qua nhiều hoạt động cổ vũ hay lễ hội. Chẳng hạn, năm 2020, nam công chức ngành văn hóa Huế bắt đầu thử nghiệm mặc áo dài ngũ thân trong một số ngày làm việc. Tại TP HCM, Lễ hội Áo dài đã 9 lần diễn ra vào tháng 3 hàng năm, tôn vinh nét đẹp trang phục truyền thống của người Việt.
Cùng đó, nhờ mạng xã hội, giới trẻ có xu hướng ủng hộ trang phục này trong một số dịp trang trọng, chụp hình lưu niệm hay du lịch. “Ngày càng nhiều người trẻ thể hiện sự quan tâm và ủng hộ cho nét đẹp truyền thống, kết hợp trang phục áo dài để check-in tại các địa điểm nổi tiếng hay sáng tạo nội dung video xu hướng”, Buzzmetrics nhận định.