Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, vậy nên công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được siết chặt để bảo đảm sức khỏe cho người dân và du khách, khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Ninh “An toàn – Thân thiện – Hấp dẫn”.
Mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho du khách
Năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đón 17 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 3 triệu lượt. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, các ngành, địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp để thu hút khách. Trong đó, vấn đề vệ sinh ATTP luôn được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân và du khách, cũng như mang lại những dịch vụ và trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch.
Theo thống kê của Sở Y tế, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 48.522 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành Công Thương đang quản lý 10.078 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý 27.650 cơ sở; ngành Y tế quản lý 10.794 cơ sở. Ngay từ đầu năm 2024, các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP và các địa phương đã chủ động, phối hợp xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống ngộ độc thực phẩm và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp giám sát bảo đảm ATTP; thành lập các Đoàn/Tổ điều tra ngộ độc thực phẩm phản ứng nhanh để sẵn sàng điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm và sự cố về ATTP khi xảy ra theo phân công, phân cấp quản lý. Mục tiêu đặt ra là không để xảy ra ngộ độc tập thể lớn trên 30 người mắc, không để tử vong do ngộ độc tập thể tại các cơ sở quản lý và không để xảy ra dịch bệnh truyền qua thực phẩm.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, Quảng Ninh đón trên 1 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch. Với sự chuẩn bị chu đáo trong công tác vệ sinh ATTP của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị kinh doanh du lịch, trong 5 ngày nghỉ lễ, tại Quảng Ninh vấn đề ATTP luôn được đảm bảo, không có trường hợp ngộ độc thực phẩm được ghi nhận. Hơn 1 triệu du khách đến với Quảng Ninh đã có được những trải nghiệm trọn vẹn khi tham quan, mua sắm tại các điểm du lịch. Chị Bùi Thị Hà (quận Đống Đa, TP Hà Nội) chia sẻ: Năm nào đến Hạ Long du lịch tôi cũng dành thời gian để mua sắm các loại hải sản, thực phẩm ở chợ Hạ Long 1. Các quầy chế biến đồ ăn sẵn từ đặc sản Quảng Ninh như ruốc bề bề, ruốc tôm đều thơm ngon, đảm bảo vệ sinh thực phẩm nên gia đình tôi rất yên tâm mua về làm quà biếu người thân.
Để có được kết quả tích cực đó, trước kỳ nghỉ lễ cũng như bắt đầu mùa du lịch hè, các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về đảm bảo vệ sinh ATTP. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, bố trí lực lượng, cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm và các điều kiện cần thiết để phục vụ khách du lịch chu đáo trong thời gian nghỉ lễ, mùa du lịch. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ông Lưu Đức Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: Thời gian nghỉ lễ 30/4-1/5 nằm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024. Từ ngày 23/4, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, do lãnh đạo các Sở: Y tế, NN&PTNT, Công Thương làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại 13/13 địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tập trung kiểm tra tại các khu du lịch, các nhà hàng, khách sạn, tàu du lịch, những cơ sở cung cấp thức ăn đường phố, chợ kinh doanh thực phẩm… Các đoàn kiểm tra từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn cũng đồng loạt ra quân kiểm tra được 1.329 cơ sở, phát hiện 102 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 7,67%), phạt tiền 102 cơ sở/tổng số tiền phạt gần 330 triệu đồng. Tịch thu, tiêu hủy sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng với trị giá 320 triệu đồng. Trong quá trình kiểm tra các đoàn thực hiện test phẩm màu, hàn the, formol, tinh bột, tinh dầu… phát hiện 54 mẫu không đạt (chiếm 2,5%).
Các cơ sở vi phạm đều được thông tin công khai trên các kênh thông tin đại chúng để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh ATTP. Đồng thời, giúp người dân và khách du lịch nắm biết và có sự lựa chọn dịch vụ chính xác hơn. Theo Sở Y tế, 3 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh công khai danh sách 167 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP.
Không chủ quan, buông lỏng
Mùa du lịch hè cũng là thời điểm thời tiết nắng nóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố dẫn đến mất ATTP. Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện những vụ ngộ độc thực phẩm, với số nạn nhân bị ngộ độc phải nhập viện lên tới hàng trăm người.
Tại Quảng Ninh, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP đã có chuyển biến tích cực và đi vào thực chất với sự vào cuộc, chung tay của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các tổ chức kinh tế – xã hội và các tầng lớp nhân dân. Mặc dù số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay tương đối lớn, nhưng tỉnh đã cơ bản có nhiều giải pháp để kiểm soát, quản lý các cơ sở theo quy định.
Song bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự tập trung, kiểm soát chặt chẽ, không thể lơ là, buông lỏng.
Hiện tại sản lượng thực phẩm sản xuất trong tỉnh chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, do đó thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phục vụ cho 1,36 triệu dân của tỉnh Quảng Ninh và hàng chục triệu lượt du khách hằng năm được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau với đa dạng, phong phú các loại thực phẩm trong tỉnh, ngoài tỉnh và thực phẩm nhập khẩu nên việc kiểm soát ATTP luôn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.200 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên rất khó để lập danh sách, đề xuất kiểm tra, thanh tra hằng năm theo quy định của Chính phủ, Thanh tra tỉnh. Thay vào đó là công tác giám sát và đề xuất kiểm tra, thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm thì đến lúc đó cơ sở đã hoạt động được một thời gian dài và đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thì vòng đời của sản phẩm có thể đã kết thúc, sản phẩm đã được tiêu thụ hết trên thị trường.
Tuy còn nhiều khó khăn thách thức, song việc đảm bảo vệ sinh ATTP có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao những trải nghiệm của khách du lịch khi đến với Quảng Ninh, đồng thời góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Ninh “An toàn – Thân thiện – Hấp dẫn”. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh cùng các địa phương tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh. Ông Trần Phong, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), cho biết: Cùng với việc tăng cường kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm nếu có vi phạm, chúng tôi cũng tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, để các cơ sở thực hiện đúng quy định về vệ sinh ATTP, đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ nhân dân và du khách.
Bà Nguyễn Thị Hiểu, chủ nhà nghỉ Bảo Trang (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) cho biết: Nhà nghỉ của chúng tôi có phục vụ ăn uống cho du khách nên rất chú trọng đến việc đảm bảo vệ sinh ATTP. Qua những lần được kiểm tra, nhắc nhở, chúng tôi đã kịp thời khắc phục những thiếu sót, nắm vững kiến thức, quy trình chế biến thực phẩm luôn đảm bảo một chiều, thực phẩm nhập mỗi ngày đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tươi mới, có tủ lưu mẫu thực phẩm theo quy định.
Cùng với công tác kiểm tra, giám sát, các ngành chức năng, trong đó có Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ninh cũng đã và đang tổ chức các lớp tập huấn về ATTP với sự tham gia của hàng trăm người đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn; các cơ quan quản lý về công tác ATTP. Qua đó, giúp họ nắm rõ hơn về Luật ATTP, các quy định của tỉnh về ATTP…
Đồng thời tiếp tục duy trì và củng cố hoạt động đường dây nóng của Chi cục quản lý là 0918.815.815 để tiếp nhận phản ánh của nhân dân về các hành vi vi phạm; khuyến khích và khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác và có giá trị phục vụ công tác quản lý ATTP.