Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay cần cấp bách phải có một gói chính sách đủ lớn, với một quy mô lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và phục hồi…
Chiều 25/5, báo cáo cuối phiên giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về các chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng chính sách này được xây dựng trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tăng trưởng giảm rất mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế trên để lại hậu quả rất lớn, đòi hỏi cấp bách phải có một gói chính sách đủ lớn với một quy mô lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, giữ được đà tăng trưởng và phục hồi.
Phối hợp giữa các cơ quan còn bất cập
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tình hình kinh tế khó khăn, tăng trưởng giảm mạnh; doanh nghiệp khó khăn, rút lui, giải thể rất lớn, đời sống lao động cũng khó khăn trong thời gian qua là việc chưa từng có tiền lệ.
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là bởi các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế lần đầu thực hiện với quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đối tượng. Trong khi thủ tục còn rất phức tạp, rườm rà làm cho “chúng ta cứ vướng mãi, vướng mãi” mà kỳ họp nào cũng nói.
Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng nhắc đến là kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan đang còn bất cập, chưa tốt.
Dẫn bài học trong việc triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế được nhiều đại biểu nhắc tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vấn đề đầu tiên chính là phương thức hỗ trợ.
“Phương thức hỗ trợ của ta sau này có lẽ cũng phải xem lại,” ông Dũng nói và cho biết ở các nước thường ta hỗ trợ ngay bằng tiền mặt, phát thẳng cho dân, mỗi người 1.500 – 2.000 USD nên chính sách hỗ trợ đi ngay vào nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng. Còn ở Việt Nam, cách tiếp cận là thông qua chính sách.
“Chính sách thì phải có văn bản hướng dẫn, rồi lại giám sát, nhiều thủ tục thì hết giờ, không còn hiệu quả. Nhiều khi chúng ta làm xong thủ tục thì vấn đề không còn thời sự nữa,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ nỗi trăn trở.
Cũng theo vị bộ trưởng, khi giới hạn thời gian của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chỉ trong 2 năm thì không nên đưa vào chương trình những dự án lớn vì các dự án này mất rất nhiều thời gian để triển khai.
“Nếu đưa dự án lớn vào chương trình thì phải cho kéo dài thời gian thực hiện ra. Nếu hết giờ vẫn chưa xong thủ tục thì không được,” Bộ trưởng lưu ý.
Cần có chính sách đặc biệt
Đưa cập giải pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc hoàn thiện thể chế phải căn cơ, đồng bộ, thống nhất; không phải để “một rừng” các vướng mắc như hiện nay. Các chính sách phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm và giám sát.
“Nhiều đại biểu nói rất thấm thía đã là đặc biệt thì phải có chính sách đặc biệt, thủ tục, quy trình đặc biệt, phải thế mới là đặc biệt. Chúng ta cứ làm thông thường thì hết giờ. Cái gì cũng phải xin cơ chế,” ông Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đặc biệt lưu ý tới việc phân cấp, phân quyền phải triệt để, kể cả giữa Trung ương và địa phương, giữa Quốc hội và Chính phủ. Còn như hiện nay, các danh mục dự án trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế phải trình đi trình lại nhiều vòng nên mất rất nhiều thời gian, không cần thiết.
“Quốc hội tập trung làm những vấn đề lớn, quyết sách, thể chế, giám sát. Do đó, những vấn đề chi tiết trong điều hành nên giao lại cho Chính phủ thì vấn đề sẽ nhanh mà Quốc hội vẫn quản lý được mục tiêu, vẫn giữ được vai trò của mình, không cần đi sâu. Thời gian sẽ rút đi rất nhiều,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.
Với tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu đề xuất sửa Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như rút ngắn thời gian thực hiện hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu trong tổ chức xây dựng chương trình và việc thực hiện, phối hợp giữa các cơ quan./.