Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, khóa XV, chiều 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Quy định thủ tục đấu giá số thuê bao di động
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 10 Chương, 73 Điều. Trong đó, sửa đổi, bổ sung 51 Điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 5 Điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 21 Điều…
Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, có ý kiến đề nghị cần tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm triển khai việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá; đồng thời, quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân.
Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày. Dự thảo luật cũng quy định trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.
Thông tin về quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn sim không đúng thông tin thuê bao – sim rác, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và chủ sở hữu thuê bao trong quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý sim rác, cuộc gọi, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo đối với các tài khoản mạng xã hội và mọi hoạt động liên quan đến thuê bao di động; quy định xử lý chủ thuê bao này nếu có vi phạm liên quan đến thuê bao di động đó.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý sim không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo.
Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng tại khoản 5 Điều 9.
Về đề nghị quy định các chủ thuê bao di động phải chịu trách nhiệm đối với các tài khoản mạng xã hội và mọi hoạt động liên quan đến thuê bao di động mà cá nhân đó là chủ, quy định chế tài xử lý đối với các chủ thuê bao này nếu để xảy ra các vi phạm liên quan đến thuê bao di động đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, điểm c khoản 2 Điều 15 đã quy định người sử dụng dịch vụ viễn thông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin truyền đưa, lưu giữ trên mạng viễn thông. Quy định này đã bao gồm cả trường hợp thông tin được đăng tải sử dụng tài khoản mạng xã hội.
Chế tài cụ thể để xử lý các vi phạm về nội dung thông tin sẽ được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quản lý nội dung thông tin trên mạng viễn thông; do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.
Về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo luật điều chỉnh 3 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết vì trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đã xuất hiện một số dịch vụ cung cấp thêm các tính năng tương tự như dịch vụ viễn thông truyền thống.
Các dịch vụ này cần được điều chỉnh với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển. Việc điều chỉnh kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây sẽ tạo môi trường pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Dịch vụ OTT viễn thông được điều chỉnh sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp viễn thông. Nhiều quốc gia đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quan điểm của Chính phủ trình Quốc hội về việc điều chỉnh 3 dịch vụ mới và đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Đề xuất phân nhóm số thuê bao “đẹp” để đấu giá
Thảo luận ở hội trường, đa số các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan đã tích cực phối hợp, tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đối với dự án Luật này.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị cơ quan trình và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu nội dung của dự án Luật này để đảm bảo tính phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo với các dự án luật liên quan.
Đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định chuyển tiếp; rà soát đảm bảo việc lắp đặt các công trình viễn thông trên trụ sở công phải đảm bảo an toàn, an ninh cho cơ quan, tổ chức quản lý trụ sở, tài sản công.
“Việc lắp đặt các trạm thu phát sóng phải an toàn và đảm bảo sức khỏe sinh hoạt cho người dân xung quanh, không làm ảnh hưởng đến hoạt động, thiết bị, cơ sở vật chất của các cơ quan nhà nước, đơn vị, người dân”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.
Quan tâm về quy định đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng tình với nội dung về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng cục Thống kê tính trong một ngày.
“Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều số thuê bao có giá trị cao so với giá khởi điểm”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói và cho rằng, cần phân nhóm các số có giá trị tiềm năng cao để vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá mà không lấy. Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Sau đó, người trúng đấu giá thấy không phù hợp với nhu cầu, trả lại số đấu giá nhưng lại chỉ mất cọc tương đương với 262 nghìn đồng.
Lấy ví dụ về một loạt số thuê bao “đẹp”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh gợi mở việc tham khảo thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và đề nghị việc phân nhóm này giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể.
“Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất nếu đấu giá không thành, sẽ phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất.