Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ dành riêng một Điều quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với loại hình này, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.
Sáng 14/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, với 107 lượt ý kiến tại tổ và 17 lượt ý kiến tại hội trường.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bước đầu đối với dự thảo Luật. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật đã được chỉnh lý có 61 điều (giảm 4 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng).
Giao Chính phủ quy định lộ trình xử lý cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy
Về phòng cháy đối với nhà ở, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm đô thị lớn.
Có ý kiến đề nghị tách Điều này thành 2 điều quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đồng thời bổ sung các quy định, giải pháp mang tính đột phá trong công tác phòng cháy đối với loại hình này, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 điều, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.
Đối với quy định chuyển tiếp, ông Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật lần này đã thiết kế lại điều khoản chuyển tiếp, tách riêng một Điều về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (Điều 58), một điều về điều khoản chuyển tiếp (Điều 61) chỉ quy định về các trường hợp phải áp dụng Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 hoặc Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng khó khăn, vướng mắc của các công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, UBND cấp tỉnh phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý.
Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý.
Người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật thay thế thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ tại dự thảo Luật về thời gian, lộ trình thực hiện việc xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo bổ sung khoản 6 Điều 58 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc xử lý bảo đảm linh hoạt, khả thi khi triển khai thực hiện.
Quy định chặt chẽ hơn việc phòng cháy, chữa cháy ở chung cư cao tầng
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đồng ý tách riêng một điều về xử lý các công trình không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy đưa vào sử dụng trước khi luật có hiệu lực thi hành, như quy định trong dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội nhắc đến thực tế vừa qua xảy ra một số vụ cháy lớn làm chết và bị thương nhiều người, để đưa ra nhận định tình hình cháy nổ đang diễn biến phức tạp và còn nhiều bất cập trong phòng cháy, chữa cháy.
“Công tác này rất được quan tâm nhưng ở địa phương, cơ sở phải chăng còn buông lỏng, chưa xử lý chưa nghiêm các trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh vi phạm phòng cháy, chữa cháy hay các công trình xây dựng không có hệ thống thoát hiểm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hoặc nếu có không sử dụng được?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Nhấn mạnh “phòng là chính”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi cháy rồi, chữa cháy rất khó khăn. Đặc biệt với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có rất nhiều chung cư cao tầng thường xảy ra cháy nổ nhưng bất cập là không có thang cao để chữa cháy. “Khi phê duyệt bao nhiêu tầng phải bảo đảm có thang chữa cháy bấy nhiêu tầng, chứ thang chữa cháy 15 tầng mà đầu tư lên 20-25 tầng thì… không có cách nào chữa cháy”, Chủ tịch Quốc hội nói nói.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng cần bổ sung quy định liên quan vấn đề phòng cháy, chữa cháy ở chung cư cao tầng. Trong khi trực thăng chữa cháy chưa có, thang chữa cháy cũng chỉ đến tầng 20, theo ông Thanh, cần có yêu cầu khác với những chung cư mới xây dựng để phòng ngừa trong trường hợp sự cố xảy ra, còn khi sự cố xảy ra thì rất khó khắc phục.