Nhằm góp phần xây dựng địa bàn khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng chủ động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các địa phương biên giới xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Địa bàn khu vực biên giới BĐBP Quảng Ninh được giao quản lý gồm có 82 xã, phường, thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, những năm gần đây đời sống của người dân khu vực biên giới của tỉnh có nhiều đổi thay đáng kể. Tuy nhiên do đặc thù điều kiện địa hình phức tạp, cách trở núi rừng, biển đảo và yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng biên, đặt ra những yêu cầu phải không ngừng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Từ năm 1996 đến nay, BĐBP tỉnh đã duy trì mô hình cán bộ biên phòng tăng cường tham gia cấp ủy ở 24 xã, phường. Đội ngũ cán bộ tăng cường đã phát huy vai trò tham mưu xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý của chính quyền cơ sở. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước được Ban Bí thư Trung ương cho thí điểm thực hiện chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ BĐBP vào cấp ủy của 5 huyện, thành phố biên giới, biển đảo của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.
Từ năm 2019, Huyện ủy Bình Liêu phối hợp với Đảng ủy BĐBP tỉnh thực hiện thí điểm giới thiệu đảng viên là BĐBP tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn biên giới. Trong đó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô cử đảng viên tham gia sinh hoạt tại 13 chi bộ thôn thuộc 2 xã Đồng Văn và Hoành Mô.
Sau gần 3 năm triển khai, mô hình đã được nhân rộng ở 21 thôn thuộc 6 xã, thị trấn biên giới trên địa bàn. Những năm qua, các đảng viên quân hàm xanh đã tập trung tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các quần chúng trẻ trong thôn, tham mưu, đề xuất cấp ủy chi bộ thường xuyên rà soát, bồi dưỡng, tạo nguồn trong thôn để kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng. Các cuộc sinh hoạt của chi bộ thôn đã trở nên sôi nổi hơn, những phần việc được triển khai cụ thể, được đánh giá, kiểm đếm rõ người, rõ việc theo từng tháng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Liêu Lý Văn Bình cho biết: Không chỉ góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, các đảng viên BĐBP còn góp phần tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác đối ngoại nhân dân với các mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Cách làm này đã khẳng định hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.
Đến nay BĐBP tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì hiệu quả các mô hình cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy ở 24 xã, phường và cấp ủy của 5 huyện, thành phố biên giới, biển đảo; 95 đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản giáp biên; 467 đảng viên phụ trách 1.690 hộ gia đình ở khu vực biên giới, biển đảo.
BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng lựa chọn những cán bộ đảng viên đủ trình độ, năng lực, tâm huyết để đảm nhận nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ này đã phát huy tốt vai trò tham mưu xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, giúp cấp ủy kiện toàn hồ sơ, sổ sách, duy trì nền nếp, nguyên tắc, chế độ sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; bồi dưỡng phát triển đảng viên. Đồng thời là lực lượng xung kích để cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của đảng ủy, UBND các xã biên giới; tuyên truyền, vận động và trực tiếp giúp đỡ từng hộ dân phát triển kinh tế, giảm nghèo…
Chủ trương BĐBP tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng. Qua đó tô thắm hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững vàng niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội.
BĐBP Quảng Ninh được thành lập từ những ngày đầu của năm 1959, cùng với sự ra đời của lực lượng BĐBP theo Nghị quyết số 58/NQTW ngày 19/11/1958 Bộ Chính trị về việc xây dựng lực lượng cảnh vệ nội địa và biên phòng; Nghị định 100/TTg ngày 3/3/1959 Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất các đơn vị bộ đội làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới và các đơn vị công an biên phòng, cảnh sát vũ trang, thành một LLVT chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa lấy tên là Công an Nhân dân vũ trang (nay là BĐBP).
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ biên phòng được tăng cường cho địa phương đã tham mưu cho cấp uỷ, ban chỉ huy đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đặc biệt là tham mưu duy trì và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, như: “Mái ấm biên cương”, “BĐBP chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”… Qua đó đã không ngừng củng cố tình quân – dân bền chặt, giúp nhiều người dân khu vực biên giới an cư, lạc nghiệp.
|