Không chỉ bảo vệ đường biên mốc giới, những người lính quân hàm xanh còn chung tay cùng nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đi đầu trên trận tuyến bảo vệ văn hóa, không để văn hóa ngoại lai du nhập vào địa bàn.
BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, có nhiệm vụ chính trị gắn bó chặt chẽ với đồng bào dân tộc trên địa bàn. Những năm qua, BĐBP Quảng Ninh đã thực hiện tốt chương trình phối hợp về đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới, biển đảo. BĐBP tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; phối hợp, nghiên cứu, sưu tầm, duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong thời gian qua, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác vận động quần chúng ở khu vực biên giới, hải đảo những kỹ năng về sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân gian; đề xuất dự án tu bổ, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của Đài liệt sĩ Pò Hèn gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa người Dao xã Hải Sơn (TP Móng Cái), sưu tầm nghiên cứu văn hoá biển Quảng Ninh; xây dựng thành điểm đến du lịch, giao lưu dân ca, dân vũ giữa BĐBP với nghệ nhân dân gian địa phương.
Đội ngũ BĐBP tăng cường cho các xã biên giới, hải đảo đã tham mưu cho địa phương khôi phục nhiều hình thức sinh hoạt lễ hội truyền thống, ra sức giữ gìn văn hóa các dân tộc. Cán bộ biên phòng tăng cường cho xã đã tham gia xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, vận động bà con xóa bỏ hủ tục, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở bản làng. Chiến sĩ quân hàm xanh đã tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn những nét đẹp của Lễ hội Kiêng gió, các lễ hội đình làng, lễ hội mở cửa biển; vận động các nghệ nhân cao niên giữ gìn hát sáng cố của người Dao, hát then của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh, từng là một cán bộ biên phòng cũng rất quan tâm đến văn hóa người Dao ở các vùng biên giới. Từ vốn sống, công tác thực tế và khảo sát đời sống văn hóa người Dao Quảng Ninh khi ấy, ông Nguyễn Quang Vinh đã xuất bản cuốn “Một số vấn đề về người Dao Quảng Ninh”. Sách tổng hợp những kinh nghiệm thực tiễn hoạt động ở biên giới, có ích cho lực lượng BĐBP hiểu thêm về văn hóa người Dao, để làm công tác vận động quần chúng tốt hơn.
Người Dao Quảng Ninh có dân số đông nhất trong số các dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Ninh. Ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, việc BĐBP hiểu rõ về văn hóa dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc Quảng Ninh nói chung sẽ phát huy được vai trò của đồng bào tham gia xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ mới.
Theo chiều tác động ngược lại, các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số ở vùng biên cũng làm cho đời sống tinh thần của chiến sĩ biên phòng thêm phong phú hơn. Cùng với đó, muốn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới phải luôn gắn chặt việc phát triển kinh tế với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng biên. Mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán, có làn điệu dân ca khác nhau. Cán bộ biên phòng muốn vận động quần chúng tốt thì phải hiểu bà con dân tộc. Nếu BĐBP là người dân tộc, biết tiếng dân tộc, biết hát dân ca thì công việc của họ lại càng thêm thuận lợi. Do vậy, để xây dựng được phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới, nhất định cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải am hiểu và tham gia bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá các dân tộc vùng biên.