Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Bình Phước là một trong những địa phương luôn đi trước, “đứng mũi chịu sào” trên trận tuyến và cũng là một trong những địa phương giành được thành quả nhanh nhất cả nước. Trong hòa bình, Bình Phước đã mạnh dạn đi trước, đón đầu trên một số lĩnh vực và đang “về nhanh”, cán đích một số mục tiêu…
Giao thông đi trước…
Gần 20 năm mới quay lại Bình Phước, tôi hết sức ngỡ ngàng trước diện mạo mới của tỉnh, đặc biệt là hệ thống đường giao thông. Trước đây, để đến hết được các địa danh lịch sử cách mạng và kháng chiến trên địa bàn Bình Phước như: Phú Riềng Đỏ, Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết), sóc Bom Bo, địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài, Tượng đài chiến thắng Phước Long, Bồn xăng – kho nhiên liệu VK98…, chúng tôi phải đi mất mấy ngày. Nay thì chỉ cần 1 ngày là có thể đi hết được các địa điểm đó. Những tuyến đường đất lầy lội vùng sâu, vùng xa, biên giới trước đây của tỉnh dần được thay thế bằng bê tông xi măng, bê tông nhựa nóng… Nhờ có những con đường được nâng cấp, xe chạy êm ru mà tôi có cảm giác khoảng cách từ Bình Phước đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đã được rút ngắn.
Một cựu chiến binh từng chiến đấu nhiều năm ở Bình Phước đọc cho tôi nghe câu thơ về cách thức phát triển của tỉnh nhà: “Tỉnh tôi Bình Phước/Giao thông đi trước/Công nghiệp “bước” theo/Chiến thắng đói nghèo/Một lòng theo Đảng”.
Quả thật, ở Bình Phước, giao thông đã đi trước một bước để tạo nền tảng vững chắc cho thu hút, mời gọi đầu tư, tạo đà cho kinh tế Bình Phước vươn mình “cất cánh”.
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Bình Phước, khi tái lập tỉnh (năm 1997), hệ thống giao thông ở đây “tụt hậu” so với rất nhiều tỉnh khác. Trong 103 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1.200km thì đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất chiếm gần 84%. Tỉnh ủy Bình Phước lúc đó xác định: Muốn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh thì giao thông phải đi trước. Năm 2019, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành nghị quyết chuyên đề mỗi năm xây dựng 1.000km đường nông thôn theo cơ chế đặc thù, tạo chuyển biến tích cực đời sống người dân vùng nông thôn. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Chương trình đột phá “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”. Trong đó có mục tiêu từng bước hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, lĩnh vực phát triển và thu hút đầu tư.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành các quyết định về phê duyệt quy hoạch và đầu tư mạng lưới giao thông. Tỉnh đã tập trung các nguồn lực để xây dựng, nâng cấp những tuyến đường trong tỉnh. Do ngân sách của Bình Phước những năm đầu mới tái lập quá khó khăn nên tỉnh đã huy động sức dân, kết hợp phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tỉnh cũng vận động các doanh nghiệp huy động vốn làm đường theo hình thức BOT. Do làm tốt các giải pháp nêu trên, Bình Phước đã tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 3.000 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 9.000km. Trong đó, các tuyến giao thông huyết mạch với điểm nhấn là 3 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh là quốc lộ 13, 14 và 14C. Giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, tất cả tuyến đường liên huyện và các tuyến đường huyết mạch tới xã, thị trấn đã được nhựa hóa.
Công nghiệp “bước ” theo
Cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, Bình Phước nhanh chóng trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 5.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 69%. Toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động, là nguồn lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tỉnh.
Theo định hướng của Trung ương và của tỉnh, Bình Phước sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Bình Phước cũng sẽ phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin,… Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ; mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp…
Dạo quanh một số khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, chúng tôi tin tưởng rằng, mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững của Bình Phước sẽ sớm về đích. Bởi lẽ, ngoài điều kiện tiên quyết là phát triển giao thông, Bình Phước đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo kết quả công bố mới nhất về xếp hạng chuyển đổi số, năm 2022 (hiện nay chưa công bố xếp hạng năm 2023), chuyển đổi số của Bình Phước đứng thứ 12 trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Bộ. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 12, kinh tế số xếp thứ 22, xã hội số xếp thứ 14. Thực tế những năm qua, Bình Phước luôn ưu tiên, sắp xếp các nhiệm vụ, công việc chuyển đổi số theo lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân cần thì chuyển đổi trước; chuyển đổi trong từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi toàn diện, chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm và chuyển đổi số lấy người dân làm chủ thể, làm động lực của sự phát triển. Đây là 3 mục tiêu mà Bình Phước luôn kiên trì trong quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Bình Phước cũng đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số một cách tích cực, thường xuyên.
Nhiều lợi thế để “cất cánh”
So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bình Phước có điểm xuất phát thấp nhưng lại là tỉnh giàu truyền thống cách mạng và có vị trí trọng yếu về quốc phòng – an ninh. Tỉnh có 3 huyện biên giới (Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh) tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia (Mondulkiri, Kratie, Tbong Khmum), tổng chiều dài đường biên giới 258,939km, với 28 cột mốc chính, 353 cột mốc phụ. Hiện Bình Phước đang quản lý 4 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Cửa khẩu chính Hoàng Diệu, Lộc Thịnh, Cửa khẩu phụ Tân Tiến) và 1 lối mở. Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ nên Bình Phước có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 41 dân tộc sinh sống. Tính đến hết năm 2023, dân số của tỉnh hơn 1 triệu người, phân bố tại 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 1 thành phố, 3 thị xã và 7 huyện.
Bình Phước cách không xa TP. Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đồng thời có cửa khẩu thông thương với Campuchia nên tỉnh có rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Mấy năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn vượt mức tăng trưởng bình quân của cả nước. GRDP bình quân đầu người cũng tăng trưởng cao hơn với mức bình quân quốc gia.
Trong những năm qua, nhiều tiềm năng của tỉnh đã được đánh thức, nhưng vẫn còn không ít tiềm năng đang “ngủ đông”, trong đó có tiềm năng về du lịch. Để đánh thức tiềm năng này, rất cần sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ. Cùng với đó là phát triển kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ; tích cực thúc đẩy thương mại thị trường trong nước, thương mại điện tử, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, 3 yếu tố đó đã và đang hình thành ở tỉnh Bình Phước giàu truyền thống cách mạng và là điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục “đi trước, về nhanh”.