Cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, cấp ủy đảng các cấp trên địa bàn Bình Liêu luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Từ đó, phát huy hiệu quả vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời xoá bỏ hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu không phù hợp với xu thế phát triển chung.
Cùng với nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Liêu luôn quan tâm triển khai thực hiện và ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng văn hoá con người Bình Liêu giàu bản sắc gắn với việc xóa bỏ tập tục, tập quán sinh hoạt canh tác lạc hậu.
Cụ thể như Nghị quyết số 19-NQ/HU ngày 18/9/2018 của Huyện ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo cụ thể hóa trong lĩnh vực này; Chỉ thị số 657-CT/HU ngày 31/12/2019 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về xây dựng mô hình “Phát huy vai trò của thầy cúng, thầy mo trong tuyên truyền, vận động, giữ gìn ANTT tại cơ sở gắn với việc xóa bỏ tập quán lạc hậu trên địa bàn”; Kết luận số 242-KL/HU ngày 23/11/2021 của Huyện ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 29/6/2016 của Huyện ủy về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2016-2020…
Từ đó, vai trò nòng cốt của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội huyện Bình Liêu trong tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục, tập quán sinh hoạt lạc hậu đã được phát huy. 5 năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội huyện đã tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện 16 cuộc ra quân tổng vệ sinh môi trường trong các dịp lễ lớn, huy động được hơn 50.700 lượt người tham gia; tổ chức hướng dẫn mẫu thực hiện sạch nhà – sạch bếp – sạch ngõ xóm tại 360 hộ gia đình hội viên với 1.300 lượt người tham gia và thực hiện 35 mô hình về thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; vận động, tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng mới gần 1.000 nhà tiêu hợp vệ sinh, xóa bỏ thói quen sử dụng hố phân sầu mất vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội đã nỗ lực, cố gắng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn và phát huy những tập quán tốt đẹp; đồng thời từng bước cải tiến, thay thế, điều chỉnh một số thủ tục cưới hỏi, ma chay theo hướng đơn giản, văn minh, rút ngắn thời gian thực hiện. Đặc biệt là việc xóa bỏ những thủ tục không còn phù hợp như: Tổ chức cưới ở nhiều nơi, nhiều lần, mời khách trong giờ hành chính, mở loa đài trước 6h và sau 22h; để thi hài trong nhà quá 48 tiếng; đưa tang vào ban đêm; ăn uống xung quanh quan tài, bố trí bàn phúng viếng…
Bà Hoàng Thị Lan, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bình Liêu, cho biết: Để góp phần xây dựng nền văn hóa bản sắc riêng có của huyện, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trên địa bàn trong những năm tiếp theo, huyện Bình Liêu đang xây dựng đề án “Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ tập tục; tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu trên địa bàn huyện Bình Liêu giai đoạn 2023-2025” để tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Từ nay đến năm 2025, huyện sẽ triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động xây dựng 100% gia đình đoàn viên, hội viên có lối sống văn minh, thực hiện tốt các phong trào thi đua tại thôn, bản, khu phố; mỗi thôn, bản, khu phố xây dựng mẫu 80% hộ gia đình hội viên, đoàn viên, 40% dòng họ là điển hình trong việc thực hiện cải tạo, xoá bỏ tập tục, tập quán sinh hoạt lạc hậu. Mỗi xã, thị trấn xây dựng 60% thôn, bản, khu phố thực hiện điểm các nội dung của đề án.
Trước hết, trong năm 2023, huyện đặt mục tiêu phấn đấu 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn được tuyên truyền, vận động, nhận diện 9 tập tục, tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu còn tồn tại. Đồng thời, bước đầu khảo sát đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện. MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội huyện sẽ chủ trì, chỉ đạo, phối hợp thực hiện xây dựng điểm từ 20% hộ gia đình hội viên, đoàn viên/thôn, khu dân cư trên địa bàn toàn huyện về thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, ăn ở văn minh, hợp vệ sinh, văn minh trong việc cưới, việc tang. Cùng với đó, xây dựng điểm 1 thôn, khu dân cư thực hiện công tác vệ sinh môi trường, văn minh trong việc cưới, việc tang tại xã Lục Hồn; phối hợp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ 144 hộ dân chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh hoàn thành việc xây nhà tiêu hợp vệ sinh trong năm…