Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trên cả nước hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Những kết quả đạt được sau 13 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này đã trở thành động lực to lớn để huyện tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và lan tỏa tinh thần, khí thế thi đua, lao động sản xuất tới từng thôn bản, người dân.
Về xã Húc Động (huyện Bình Liêu) đúng mùa cây dong riềng ra hoa mới thấy hết được diện mạo rực rỡ của một trong 2 xã NTM nâng cao đầu tiên nơi dải đất biên cương của Tổ quốc này. Một miền quê rực rỡ, ấm no và sung túc. Thấp thoáng giữa cảnh núi rừng hùng vĩ là những ngôi nhà mái Thái còn thoảng mùi sơn, cánh đồng thơm mùi mạ mới và đỏ rực những bông hoa dong riềng đang khoe sắc.
Dẫn chúng tôi tới một ruộng dong riềng nằm sát con đường trải nhựa thẳng tắp ở thôn Nà Ếch (xã Húc Động), anh La A Nồng, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung, chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Nà Ếch. Từ khi còn bé tôi đã chứng kiến các ông, các bà, rồi bố, mẹ làm miến dong. Lớn lên đi xa học đại học, tôi vẫn quyết định trở về gắn bó với nghề làm miến dong truyền thống của quê hương. Được huyện hỗ trợ, được xã, thôn tạo điều kiện, năm 2014 tôi thành lập HTX Phát triển Đình Trung, ngành nghề chính là sản xuất và kinh doanh miến dong.
Đến nay, sau gần 10 năm thành lập, HTX Phát triển Đình Trung mỗi năm tiêu thụ 500-600 tấn dong củ nguyên liệu, sản xuất 10-20 tấn miến dong thành phẩm, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 200-250 triệu đồng. Ngoài sản xuất miến dong, gia đình anh La A Nồng còn trồng hồi, trồng quế. Từ làm nông nghiệp, kinh tế đồi rừng và phát triển sản xuất, mỗi năm gia đình anh La A Nồng thu nhập 500-600 triệu đồng, đã xây được ngôi nhà lớn khang trang, hiện đại, tậu được ô tô, trở thành hộ khá giả tiêu biểu trong xã.
Tại Húc Động, những tấm gương làm kinh tế giỏi, làm giàu trên chính quê hương như anh La A Nồng không ít. Sự phát triển của nghề truyền thống gắn với mô hình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) được triển khai hiệu quả, đi vào chiều sâu, đã thúc đẩy sự hình thành của 4 HTX sản xuất miến dong. Cùng với đó là mô hình sản xuất hộ gia đình có đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng doanh thu và thu nhập cho người sản xuất, đóng góp chung vào sự sung túc, ấm no của Húc Động.
Người dân chủ động, mạnh dạn đầu tư nhiều mô hình sản xuất mới để vươn lên làm giàu. Nếu như năm 2022, thời điểm về đích chương trình xây dựng NTM nâng cao, xã Húc Động không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân ước đạt 65,18 triệu đồng/người, thì đến hết tháng 6/2024, thu nhập bình quân của xã đã tăng lên 72 triệu đồng/người. Tháng 4/2024, xã Húc Động chính thức đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022, trở thành xã thứ 2 trong 6 xã của Bình Liêu hoàn thành xây dựng NTM nâng cao và bước vào hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu.
Không chỉ ở xã Húc Động, khí thế mới và niềm tự hào của huyện miền núi biên giới, dân tộc đầu tiên trên cả nước hoàn thành chương trình xây dựng NTM đang lan tỏa mạnh mẽ tới từng thôn, bản trên địa bàn, cổ vũ, động viên người dân Bình Liêu hăng say thi đua lao động; chủ động, mạnh dạn triển khai những mô hình sản xuất, kinh doanh mới để làm giàu. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện thành lập thêm 2 HTX, 26 hộ kinh doanh, người dân đăng ký tham gia triển khai 23 mô hình phát triển sản xuất. 595 hộ dân (trong đó có 6 hộ nghèo, 96 hộ cận nghèo) mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất. Tổng số tiền vay trong 6 tháng đầu năm đạt trên 49 tỷ đồng.