Trong hành trình xây dựng NTM, huyện Bình Liêu không chỉ về đích các tiêu chí về kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, mà còn đặc biệt quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc. Bình Liêu hôm nay đã mang dáng dấp của một vùng NTM văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa.
Qua rà soát bộ tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn NTM, Bình Liêu đạt 100% các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa với 1 trung tâm văn hóa – thể thao cấp huyện, 6/6 xã có trung tâm văn hóa – thể thao cấp xã; 86/86 thôn, bản có nhà văn hóa. Thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ và vận hành hiệu quả, góp phần phát triển các phong trào văn hóa, thể thao, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân.
Nhà văn hóa xã, thôn trở thành tâm điểm nơi diễn ra các hoạt động lễ hội gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện, như: Hội mùa vàng với không gian ruộng bậc thang và Nhà văn hóa thôn Ngàn Pạt (xã Lục Hồn); các trận bóng đá nữ Sán Chỉ trong khuôn khổ hội soóng cọ hấp dẫn du khách được tổ chức tại sân bóng Nhà văn hóa xã Lục Hồn hay xã Húc Động; hội kiêng gió diễn ra tại Nhà văn hóa xã Đồng Văn… Đây cũng là nơi sinh hoạt thường xuyên, định kỳ của các CLB văn nghệ, thể thao quần chúng như hát then, đàn tính, hát soóng cọ, CLB bóng chuyền hơi, CLB bóng đá nam, nữ…
Về tiêu chí văn hóa, năm 2023, 98,8% thôn, khu trên địa bàn huyện đạt danh hiệu thôn, khu văn hoá. 6/6 xã thành lập được các mô hình về phòng chống bạo lực gia đình, gia đình phát triển bền vững. Vai trò tự quản cộng đồng tại các xã được phát huy thông qua việc thực hiện hương ước, quy ước.
Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Thôn đạt chuẩn NTM”, “Hộ gia đình đạt chuẩn NTM” được nhân rộng và lan tỏa mạnh mẽ, cổ vũ nhân dân đoàn kết thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Cùng với đó, huyện đặc biệt quan tâm tới công tác kiểm kê, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Năm 2019, di sản thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2023, huyện cũng lập hồ sơ và được Bộ VH-TT&DL công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Không chỉ qua các chỉ tiêu được lượng hóa, hiệu quả trong bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với xây dựng NTM của Bình Liêu đã đi vào thực chất và tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của mỗi người dân. Giờ đây, mọi CBCCVC-NLĐ, giáo viên, học sinh của Bình Liêu đều tự hào khi được mặc trang phục truyền thống dân tộc mình tới công sở, trường học. Nhiều nghi lễ, phong tục tập quán có nguy cơ mai một đã được khôi phục và phát triển thành sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn.
Hoạt động của các CLB văn nghệ cấp xã được duy trì thường xuyên, bài bản, không chỉ tạo nguồn cho hoạt động lễ hội, phát triển du lịch văn hóa mà còn góp phần hình thành các giá trị mới, gia tăng cho vốn văn hóa sẵn có của cha ông để lại. Các hội và lễ hội của huyện được tổ chức theo hướng vừa giới thiệu nét văn hóa truyền thống của bà con lại đan xen với nét hiện đại, dễ tiếp cận, gần gũi đã góp phần thu hút đông đảo du khách đến với Bình Liêu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Hoàng Ngọc Ngò khẳng định: Giữ gìn văn hóa truyền thống là điểm sáng trong xây dựng NTM tại Bình Liêu. Trong hành trình tiếp theo, gắn với xây dựng NTM nâng cao và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, Bình Liêu sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư, dành nguồn lực cho bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện, đưa Bình Liêu thực sự trở thành một vùng NTM văn minh, hiện đại và giàu bản sắc.