Ngày 5/10, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã đi kiểm tra công tác khắc phục sau bão số 3 tại huyện Bình Liêu. Đồng chí yêu cầu địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tái thiết nền kinh tế trên cơ sở phát huy tốt hiệu quả đất đai.
Báo cáo với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Bình Liêu cho biết: Bão số 3 có cường độ mạnh, sức tàn phá lớn, đổ bộ về địa bàn huyện đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động KT-XH, đặc biệt là lâm nghiệp.
Cụ thể, bão kèm theo mưa lớn kéo dài đã khiến trên địa bàn huyện xuất hiện 114 điểm bị sạt lở tại các tuyến đường giao thông; 39 tuyến đường giao thông, 53 tuyến mương thủy lợi, 4 công trình nước sạch nông thôn bị hư hỏng. Toàn huyện có 14 nhà ở bị sập, 91 nhà bị tốc mái, 62 nhà bị ảnh hưởng sạt lở/ngập lụt; 26,9ha lúa, 157,5ha cây màu (ngô, rau, dong riềng) và 4.021ha cây lâm nghiệp bị đổ gãy với tổng thiệt hại ước tính gần 300 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngay sau bão, mưa lũ, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia, triển khai công tác khắc phục hậu quả; tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời nhân dân sửa chữa nhà cửa, công trình phụ, cơ sở sản xuất để ổn định đời sống; triển khai các tổ công tác tiến hành kiểm tra thực địa các điểm sạt lở, hạ tầng giao thông, công trình nước sạch để tổng hợp đề xuất nguồn lực hỗ trợ; thực hiện thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện kê khai thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thành lập các tổ công tác của cấp huyện, cấp xã để thẩm tra, xác minh thiệt hại theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ, dự kiến công việc hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ trong tháng 10/2024.
Tại buổi làm việc, huyện Bình Liêu đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 theo hướng bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp và điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại. Có chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp hộ dân có nhà ở trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao bị sạt lở do bão số 3; hỗ trợ tiêu thụ gỗ bị hư hỏng sau bão; thống nhất với các ngân hàng để thực hiện giãn, hoãn, kéo dài nợ, hỗ trợ lãi suất đối với các hộ gia đình, cá nhân vay vốn sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại do bão số 3.
Đồng thời, có chính sách, chuyên gia hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, trồng rừng thay thế trên diện tích rừng bị thiệt hại để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân…
Sau khi trực tiếp đi kiểm tra những thiệt hại về lâm nghiệp, gặp gỡ, thăm hỏi người dân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ với những khó khăn của các cấp chính quyền, người dân huyện Bình Liêu. Đồng chí đánh giá cao tinh thần tích cực vượt qua khó khăn, đồng hành cùng nhân dân để triển khai các biện pháp khắc phục sau bão, sớm ổn định đời sống và tái khởi động sản xuất.
Đồng chí nhấn mạnh: Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có huyện Bình Liêu. Tuy nhiên so với các địa phương khác, mức độ không phải là nhiều. Để kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão, ổn định sản xuất, đồng chí yêu cầu huyện Bình Liêu hoàn thành thống kê, thẩm tra, xác minh thiệt hại xong trước ngày 15/10 để làm căn cứ triển khai các chính sách hỗ trợ theo quy định ngay cho người dân.
Quan điểm của tỉnh hiện nay là sẽ tái kiến thiết nền kinh tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng Đề án theo hướng quy hoạch lại 3 loại rừng, cơ cấu lại các loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp. Trên cơ sở đó, với lợi thế về diện tích tự nhiên rộng lớn, khí hậu thuận lợi để phát triển đa dạng cây trồng, Bình Liêu phải nghiên cứu, phát huy tốt giá trị đất đai bằng việc chuyển đổi cây trồng, trồng rừng thay thế trên diện tích rừng bị thiệt hại.
Tỉnh đang kết nối, thu hút các doanh nghiệp phát triển lâm nghiệp về tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển cây trồng mới, hiệu quả, năng suất cao, đây sẽ là cơ hội để địa phương thực hiện chủ trương này, để nhân dân Bình Liêu làm giàu ngay tại quê hương mình.
Trong giai đoạn trước mắt, huyện cần huy động lực lượng, nhân lực để phối hợp, hỗ trợ xử lý thu gom gỗ cho các hộ trồng rừng; kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản để tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Trong quá trình triển khai cần thống nhất mức giá, thực hiện công khai mức giá trên quan điểm chung tay chia sẻ rủi ro, hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Cùng với đó, tăng cường công tác giám sát, phòng cháy chữa cháy rừng trong điều kiện cây rừng gãy đổ, đang khô héo do thiếu nước.
Đối với các đề nghị của huyện, đây cũng là những trăn trở đang được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và làm việc với các tổ chức tín dụng để sớm có các chính sách phù hợp, áp dụng tối đa các điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho người dân để ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Đồng chí yêu cầu các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách mới một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất.