Xác định nhà truyền thống là di sản quý báu cần được giữ gìn và truyền lại cho thế hệ mai sau, huyện Bình Liêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ các hộ dân bảo tồn những nếp nhà truyền thống. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa các đề án xây dựng mô hình làng văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.
Thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn) là một trong 3 thôn của huyện Bình Liêu được lựa chọn xây dựng làng văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Bản Cáu sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa. Nơi đây có di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Lục Nà, trên 95% đồng bào là người Tày. Đặc biệt, thôn Bản Cáu còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà gạch đất truyền thống.
Ngôi nhà của gia đình bà Vi Thị Xuân tại thôn Bản Cáu là một trong những ngôi nhà truyền thống của người Tày được bảo tồn trong tình trạng tốt: Nhà lợp ngói âm dương, tường gạch đất vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Bên trong nhà được gia chủ bài trí gọn gàng, ngăn nắp. Đây được đánh giá là điểm tham quan tiềm năng cho du khách. Song để hiện thực hóa tiềm năng này, những ngôi nhà như của gia đình bà Vi Thị Xuân cần được tư vấn về bài trí và thiết kế để tô đậm những nét văn hóa truyền thống của người Tày.
Thôn Bản Cáu hiện còn lưu giữ được 7 ngôi nhà cổ truyền thống, trong đó nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, ít phát huy được công năng và không còn được người dân sử dụng để ở. Khi nâng cấp, cải tạo, nhiều hộ không xây nhà truyền thống mà thay vào đó là những ngôi nhà mái Thái theo phong cách hiện đại nên nhà truyền thống ngày càng thưa vắng.
Ông Loan Thành Len, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Hồn, cho biết: “Để bảo tồn những ngôi nhà cổ còn sót lại, phục vụ Đề án xây dựng bản văn hóa người Tày, Đảng ủy, UBND xã Lục Hồn đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm đếm, đánh giá thực trạng từng ngôi nhà. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nắm bắt nhu cầu sửa chữa, nâng cấp nhà ở của các hộ dân; phối hợp với Phòng VH-TT huyện để có những tư vấn phù hợp, vận động người dân bảo tồn những ngôi nhà cổ”.
Bà Lý Thị Hoàng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Cáu, cho biết: “Thôn đã tiến hành họp nhiều lần để triển khai kế hoạch xây dựng mô hình Bản văn hóa người Tày đến người dân. Đến nay, 100% các hộ đã nắm được chủ trương và rất ủng hộ, tuy nhiên để bảo tồn những ngôi nhà truyền thống cần lựa chọn xây dựng những mô hình điểm để người dân thấy mà làm theo”.
Sự phát triển của nhịp sống hiện đại đang đe dọa và đẩy nhiều di sản văn hóa truyền thống, trong đó có những nếp nhà cổ đứng trước nguy cơ bị mai một. Việc đẩy mạnh thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày, Dao, Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần tích cực bảo tồn các giá trị truyền thống; đồng thời xây dựng những “bảo tàng sống” trong cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu.