Trong những ngày Tháng Tám lịch sử, bên cạnh những mốc son đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam, có một chiến thắng mang tầm vóc thời đại, đó là ngày 5/8/1964 quân và dân ta đã đánh thắng lực lượng không quân, hải quân hiện đại bậc nhất của Mỹ. 60 năm đã trôi qua nhưng âm vang của Chiến thắng trận đầu vẫn còn nguyên vẹn.
Cách đây 60 năm, nhằm cứu vãn sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân – nơi mà chúng cho là “gốc rễ”, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam, để triệt tiêu công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam; hòng làm nhụt ý chí quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Từ tháng 3/1964, Mỹ cho tàu khu trục tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam vừa trinh sát, vừa thăm dò ta và làm hậu thuẫn cho hải quân Ngụy đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu 4. Ngày 31/7/1964, ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, tàu khu trục Ma-đốc tiến mạnh về phía Bắc, xâm phạm nghiêm trọng hải phận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, vừa do thám, vừa đe dọa uy hiếp các tàu đánh cá của ngư dân ta.
Ngày 2/8/1964, với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao và quyết tâm trừng trị tàu địch xâm phạm, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ huy Tiểu đoàn 135 sử dụng 3 tàu phóng lôi (333, 336, 339) thuộc Phân đội 3, hiệp đồng với 2 tàu tuần tiễu, rời căn cứ, xuất phát tiến công đánh đuổi tàu Ma-đốc. Trong trận đánh không cân sức này, CBCS Phân đội 3 đã bắn rơi 1 máy bay địch, bắn bị thương 1 chiếc khác, tàu Ma-đốc bị trúng đạn, hư hỏng một số trang thiết bị, buộc phải rút chạy khỏi vùng biển của ta.
Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi, với kịch bản đã chuẩn bị từ trước, giới cầm quyền Mỹ dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” vu cáo lực lượng hải quân Bắc Việt Nam tấn công tàu chiến Mỹ đang hoạt động bình thường trên vùng biển quốc tế, nhằm đánh lừa dư luận thế giới và nhân dân Mỹ, lấy cớ mở chiến dịch “trả đũa” mang tên “Mũi tên xuyên” bắt đầu thực hiện cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc.
Ngày 5/8/1964 chúng huy động 64 lần chiếc máy bay hiện đại của Hạm đội 7, chia làm nhiều tốp tấn công gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu thuyền của hải quân ta dọc ven biển từ Sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy, Hòn Gai (Quảng Ninh), hòng tiêu diệt lực lượng hải quân ta, mở đầu cho kế hoạch phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc.
Trong đợt đầu tiên công kích bằng không quân, hải quân vào miền Bắc, trận không kích vào Bãi Cháy, TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) diễn ra vào chiều 5/8 là ác liệt nhất. 8 chiếc phản lực của địch chia làm 2 tốp lao vào ném bom, bắn đạn 20mm, bắn rốc két xuống căn cứ hải quân bên sông Cửa Lục, bờ Tây Bãi Cháy (nay là Cảng Xăng dầu B12). Với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao, ngay từ phút đầu, các tàu hải quân ta đã phối hợp với Tiểu đoàn Phòng không 217 và lực lượng phòng không của tự vệ, công an vũ trang, quân và dân tỉnh Quảng Ninh kiên quyết đánh trả máy bay địch. Các chiến sĩ bộ binh, công an vũ trang, dân quân tự vệ đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội pháo cao xạ, tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc nhiều tầm.
Bằng tinh thần chiến đấu kiên cường và quả cảm của lực lượng phòng không và hải quân ta, cùng với sự phối hợp, hiệp đồng tích cực của lực lượng dân quân, tự vệ Cảng Hòn Gai, Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh, quân và dân Vùng mỏ đã giành chiến thắng vang dội, bắn rơi tại chỗ 3 máy bay phản lực. Trong đó Khẩu đội pháo 14,5 ly, thuộc Đại đội 141, Tiểu đoàn Pháo phòng không 217, chiếm giữ các điểm cao của TX Hòn Gai, đã bắn trúng chiếc máy bay A4D, làm nó bốc cháy rơi xuống cửa biển Đầu Mối. Trung úy E.Alvarez lái máy bay này buộc phải nhảy dù xuống Khe Cá (Hà Tu) và bị bắt sống. Đây là phi công Mỹ đầu tiên ta bắt được trên miền Bắc.
Sự chiến đấu anh dũng của bộ đội hải quân, phòng không không quân, công an vũ trang, dân quân tự vệ và nhân dân các tỉnh ven biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình) đã đập tan cuộc tập kích bằng không quân của đế quốc Mỹ, giáng một đòn mạnh vào uy thế của hải quân Mỹ, làm cho Lầu Năm Góc phải bàng hoàng; đồng thời cổ vũ mạnh mẽ ý chí của quân và dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Chiến thắng ngày 5/8/1964 trở thành chiến công đầu tiêu biểu, mở đầu trang sử anh hùng trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam. Chiến thắng đã góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở miền Bắc và đồng bào miền Nam thi đua đánh giặc lập công, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là khởi đầu bản hùng ca oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam, của quân, dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, của ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng; là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.
Chiến thắng 5/8/1964 còn có ý nghĩa đặc biệt đối với tỉnh Quảng Ninh. Bởi lúc bấy giờ Quảng Ninh vừa được thành lập chưa đầy 1 năm, song chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng hải quân đánh trả máy bay Mỹ, lập nên những chiến công đặc biệt, bảo vệ an toàn các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ và tránh thương vong cho nhân dân. Năm 1994 Thủ tướng Phạm Văn Đồng (đã có mặt tại Hòn Gai ngày 5/8/1964) khẳng định: “Đây là chiến công tuyệt vời của quân và dân Quảng Ninh, là kết quả 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, là biểu hiện tính ưu việt của chế độ XHCN do Đảng và Bác Hồ vạch đường chỉ lối, là sự mở đầu cho những thành tựu to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Quảng Ninh…”.
Âm vang của Chiến thắng trận đầu vẫn còn đến hôm nay. Tiếp nối truyền thống đánh thắng trận đầu và truyền thống của các thế hệ đi trước, quân và dân Quảng Ninh tiếp tục đoàn kết một lòng, một ý chí để xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng – an ninh, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế…