Đạo diễn Long Vân quay “Biệt động Sài Gòn” trong bốn năm, nhiều lần thay đổi kịch bản.
Nghệ sĩ qua đời hôm 24/12, khiến nhiều đồng nghiệp, khán giả tiếc nuối. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói: “Đạo diễn Long Vân là người làm được những điều không tưởng cho điện ảnh Việt. Với Biệt động Sài Gòn, ông đã khẳng định cái tâm, cái tài của mình”. Nghệ sĩ Hà Xuyên – người đóng Ngọc Mai trong phim – nói nhờ sự quyết đoán của đạo diễn mới có những nhân vật để đời như Tư Chung, Sáu Tâm, K9.
Đến nay, sau gần 40 năm ra đời, phim là một trong những tác phẩm sống mãi với thời gian của Hãng Phim truyện Việt Nam, được chiếu lại trong một số dịp kỷ niệm của đất nước. Trên một kênh YouTube đăng tải phim, mỗi tập hút khoảng 7-8 triệu lượt xem.
Tác phẩm ban đầu được Thiếu tướng Hải Phụng (nguyên Tư lệnh Biệt động Sài Gòn, lúc ấy là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP HCM) đặt hàng, khởi động từ năm 1981, bấm máy bốn năm.
Phim gồm bốn tập Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em, tái hiện những chiến công của đội biệt động trong kháng chiến chống Mỹ. Nhân vật chính là Tư Chung – Tư lệnh trưởng biệt động Sài Gòn, cùng đồng đội Ngọc Mai, phải đóng giả một cặp vợ chồng tư bản giàu có, ngày ngày chạm trán quân địch. Những đồng đội khác của họ như Sáu Tâm, Huyền Trang, Năm Hòa (bí danh K9) giữ nhiều vị trí khác nhau, cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Tác phẩm gây ấn tượng với những cảnh chiến đấu lẫn các tình huống đấu trí căng thẳng. Bên cạnh đó, các chuyện tình do biên kịch hư cấu khiến câu chuyện gần gũi hơn.
Ông Vũ Văn Nha – chủ nhiệm phim – từng kể sau khi ra mắt, tác phẩm thu hút hơn 10 triệu lượt khán giả đến rạp. Nhiều nơi, họ xếp hàng tranh nhau mua vé. Phim là bệ phóng của hàng loạt tên tuổi từ vai chính đến phụ như Thương Tín, Quang Thái, Thúy An, Thanh Loan, Hà Xuyên.
Biệt động Sài Gòn là phim tốn nhiều tâm huyết nhất của đạo diễn Long Vân. Khi còn sống, ông cho biết chăm chút ngay từ khâu tuyển diễn viên, nhất là hai vai chính Tư Chung và ni cô Huyền Trang.
Đạo diễn vốn định giao vai Tư Chung cho Chánh Tín, người đang nổi tiếng bấy giờ nhưng suy đi tính lại, ông không muốn dùng gương mặt quá quen thuộc. Long Vân nghĩ đến Quang Thái – diễn viên kịch nói từng tham gia Nơi gặp gỡ tình yêu của ông. Đạo diễn từng cho biết: “Khi quay được nửa tập, xem lại, tôi thấy mình đã quyết định vô cùng đúng đắn. Chánh Tín đẹp trai thật nhưng nhìn kỹ thì thấy chất tư sản hào hoa nhiều hơn. Ở Quang Thái, hình ảnh người chiến sĩ biệt động hiện lên vừa rất đẹp vừa gần gũi”.
Với vai ni cô Huyền Trang, đạo diễn muốn mời Như Quỳnh nhưng bà từ chối vì phim quay trong thời gian dài, bà lại đang có bầu. Họa sĩ Trịnh Thái của đoàn làm phim tình cờ gặp Thanh Loan, giới thiệu cho đạo diễn.
Vai Sáu Tâm ban đầu định giao cho nghệ sĩ Hoàng Dũng, nhưng đạo diễn vẫn lăn tăn vì gương mặt Hoàng Dũng không có chất dãi dầu của biệt động. Một lần, ông vào Đoàn kịch Cửu Long Giang chơi, đang uống cà phê vỉa hè thì gặp Thương Tín ngồi một mình, vẻ mặt lầm lì, lạnh lùng. Long Vân chủ động gợi chuyện: “Một ngày anh uống mấy cốc cà phê?”. Thương Tín trả lời: “Cà phê thì ăn thua gì, chủ yếu là nhậu ấy chứ”. Hai người nói chuyện câu ra câu vào, đạo diễn mời Thương Tín thử vai Sáu Tâm.
Trong gần bốn năm làm phim, đạo diễn Long Vân và biên kịch Lê Phương nhiều lần tranh cãi, chỉnh sửa các tình tiết. Theo kịch bản gốc, nhân vật Sáu Tâm (Thương Tín đóng) sống đến hết phim chứ không chết trên cầu ở ngay tập hai. Tuy nhiên, nhiều người trong đoàn nhận xét như vậy các biệt động thần thánh, tài giỏi quá, không đúng với thực tế.
Đạo diễn và biên kịch sau đó để Sáu Tâm chết vì bị đồng đội Ba Cẩn phản bội, tạo cảm giác phẫn nộ xen lẫn xót xa. Sáu Tâm hy sinh, người yêu anh được lệnh đi xử tử Ba Cẩn nhưng phải không gây nguy hiểm cho những đồng đội khác. Đội biệt động cũng phải tìm người thay anh đánh trận tại khách sạn Caravel ở tập 3.
Kịch bản lại điều chỉnh để Tư Chung đưa Huyền Trang, người yêu mình, vào nơi nguy hiểm. Cảnh anh dặn dò cô trước khi ra trận vì thế gây xúc động mạnh. Các tình huống chiến đấu, đạo diễn và biên kịch vắt óc suy nghĩ để xây dựng “không cải lương, không hoang đường”.
Quay phim trong thời kỳ đất nước còn thiếu thốn, đạo diễn Long Vân không sử dụng cascadeur. Để chân thật, các diễn viên thẳng tay đánh đấm trong nhiều cảnh. Trong một chương trình năm 2019, nghệ sĩ Hai Nhất (vai Ba Cẩn) nói nhớ nhất đoạn Thương Tín (vai Sáu Tâm) đá vào bộ hạ, lực khá mạnh khiến ông bị đau. Ở cảnh ni cô Huyền Trang bị tra tấn, nghệ sĩ Thanh Loan bị dội nước lạnh, quay trong một đúp. Cảnh em bé giao liên do Vân Dung – con gái đạo diễn Long Vân đóng – bị tra tấn bằng bầy rắn, ông mua rắn thật từ một nhà hàng, nhổ răng, rút nọc, không cho con biết trước.
Vì quá trình quay kéo dài, đoàn làm phim đa số từ Hà Nội vào, họ ở tập thể cùng nhau, có người còn mang theo con. Cứ quay được một đoạn, đoàn phải chờ gửi ra cơ sở tráng phim nhựa duy nhất ở Hà Nội, rửa ra thành phẩm. Diễn viên Thanh Loan nhớ bà ký hợp đồng 18 triệu đồng cho vai diễn, thỉnh thoảng nhận một phần theo tháng. Thế nhưng đúng đợt đổi tiền năm 1985, 18 triệu của bà chỉ còn 1,8 triệu.