Ngày 6/7, TP Uông Bí phối hợp với Hội đồng di sản văn hóa quốc gia và Sở VHTT Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí, trong định hướng phát triển bền vững TP Uông Bí”. Liên quan đến sự kiện này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh có bài phỏng vấn ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP Uông Bí.
– Cá nhân ông nhận định như thế nào về di sản văn hoá?
+ Như chúng ta đã biết, di sản văn hóa là sự biểu hiện lối sống của cộng đồng, do các cộng đồng sáng tạo nên và được truyền từ đời này sang đời khác. Di sản văn hóa bao gồm các thành tố mang tính phi vật thể như phong tục, nghi lễ, lễ hội, tri thức địa phương, niềm tin, hệ giá trị, nghệ thuật,… và các thành tố mang tính vật thể như đình, đền, miếu, nhà ở. Di sản văn hóa thường được nhấn mạnh ở khía cạnh giá trị là tài sản văn hóa, thể hiện bản sắc và sự kế tục.
Trong một thời gian dài, di sản văn hóa được xem là sản phẩm của quá khứ, phản ánh và thể hiện các giá trị, niềm tin, tri thức… mang tính truyền thống, thuộc về quá khứ. Hiện nay, di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa; giữ vai trò là nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Đồng thời, di sản văn hóa là nền tảng tinh thần, yếu tố nội sinh làm nên cốt cách, bản lĩnh của con người Việt Nam, là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và địa phương.
– Vâng, đây có phải là lý do để TP Uông Bí phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí, trong định hướng phát triển bền vững TP Uông Bí”?
+ Lâu nay chúng ta hay nói kinh tế học trong công nghiệp chưa nói kinh tế học trong di sản. Nếu như di sản và du lịch kết hợp với nhau còn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, trong chiến lược phát triển văn hoá có chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá, trong công nghiệp văn hoá thì công nghiệp di sản là mũi nhọn.
Uông Bí có khối di sản văn hoá rất lớn, trong đó di sản Yên Tử là tài nguyên mang tính hỗn hợp thiên nhiên và văn hoá, tương lai có thể thành di sản thế giới. Đây là tiền đề để Uông Bí phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp di sản. Hội thảo “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí, trong định hướng phát triển bền vững TP Uông Bí” là hội thảo mang tính liên ngành, TP Uông Bí kỳ vọng hội thảo sẽ mang đến nhận thức toàn diện và sâu sắc để Uông Bí có định hướng phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn; tìm ra mô hình, giải pháp biến di sản thành tài sản, biến tài sản thành sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
TP Uông Bí nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của di sản văn hóa và con người trong quá trình phát triển. Đặc biệt, Uông Bí quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững; đồng thời phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết và chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh và của thành phố.
Với Hội thảo khoa học chủ đề “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí, trong định hướng phát triển bền vững TP Uông Bí”, TP Uông Bí kỳ vọng sẽ làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn TP Uông Bí làm nền tảng, động lực và nguồn lực quan trọng được đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, bảo đảm quốc phòng an ninh, hợp tác và hội nhập quốc tế, trong định hướng phát triển bền vững TP Uông Bí.
Hội thảo cũng nhằm mục đích phân tích, đánh giá khách quan, khoa học và khẳng định tầm quan trọng, giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc của các di sản văn hoá tại địa phương, từ đó bổ sung, tổng hợp có hệ thống, khoa học các tư liệu liên quan, làm sáng tỏ cơ sở khoa học cho việc huy động nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tại địa phương. Bên cạnh đó, hội thảo cũng có mục đích, ý nghĩa tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài thành phố về giá trị của các di sản từ đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trên địa bàn TP Uông Bí.
Thông qua các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, từ đó TP Uông Bí có được các định hướng, các giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hoá trên địa bàn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, điểm đến độc đáo, hấp dẫn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.
– Ngay sau hội thảo này, TP Uông Bí sẽ có những động thái gì để hiện thực hoá mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản của mình một cách bền vững, gắn với phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn?
+ TP Uông Bí sẽ tiếp tục quan tâm tới công tác quản lý di sản trên địa bàn, đồng thời xác định rõ việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên phải gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch bền vững và kinh tế xanh, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang sắc thái địa phương thông qua việc phát huy giá trị của các di sản văn hoá phi vật thể; tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại địa phương.
Đặc biệt là trong thời gian tới, khi quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới, Uông Bí cần phải phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch quản lý phù hợp, mang tính liên vùng trong nhiệm vụ vừa bảo tồn vừa phát huy và tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Về lâu dài, căn cứ vào ý kiến và sự gợi mở của các nhà khoa học, TP Uông Bí khẩn trương phối hợp xây dựng quy hoạch bảo tồn văn hoá gắn với phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!