“Mai” dán nhãn T18 trong khi “Đào, phở và piano” dán T13 để hạn chế độ tuổi khán giả khi cả hai phim đều có cảnh nóng, mô tả chuyện tình dục.
Kể từ Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL, phim Việt dán nhãn khi phổ biến. Theo đó, Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL ngày 5/4/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo đến khán giả khi phát hành, phổ biến.
5 mức phân loại phim được đưa ra trong thông tư lần này gồm: loại P (phổ biến cho mọi độ tuổi), T18 (tên cũ là C18 – phim được phép phổ biến đến người xem từ 18 tuổi trở lên), T16 (phim được phép phổ biến đến người xem từ 16 tuổi trở lên), T13 (phim được phép phổ biến đến người xem từ 13 tuổi trở lên), C (không được phép phổ biến) và K (phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ).
Khi phim dán nhãn, các đạo diễn cũng được “cởi trói” hơn trong việc khai thác cảnh nóng, bởi đã có sự phân loại dành cho khán giả.
Năm 2023, nhiều phim ngập cảnh nóng táo bạo trần trụi. Trong đó, “Chiếm đoạt” được so sánh là phim về đề tài nghiện tình dục.
“Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ cũng ra rạp với nhiều phân cảnh mô tả sinh hoạt tình dục táo bạo, phim dán nhãn T18, cán mốc doanh thu gần 100 tỉ đồng.
Tết Nguyên đán, trước khi phải rời rạp vì không cạnh tranh nổi với Trấn Thành, bộ phim “Trà” của đạo diễn Lê Hoàng cũng tràn ngập cảnh 18+.
Hai bộ phim đang thu hút sự chú ý của dư luận hiện nay là “Mai” dán nhãn T18 và “Đào, phở và piano” dán nhãn T13. Hai phim với hai nội dung, thể loại, đề tài khác nhau nhưng đều có cảnh nóng.
Dán nhãn T13 (phim được phép phổ biến đến người xem từ 13 tuổi trở lên) nhưng trao đổi với phóng viên Lao Động bên ngoài phòng chiếu phim ở Trung tâm chiếu phim quốc gia chiều 21.2, nhiều học sinh đi xem “Đào, phở và piano” đã sốc vì cảnh nóng.
Khán giả Nguyễn Thùy Trâm (sinh năm 2007) cho biết, khi mua vé đi xem phim này, Thùy Trâm chỉ được nghe kể đây là phim lịch sử, chiến tranh. Bởi vậy, Thùy Trâm hoàn toàn bất ngờ khi thấy phim có cảnh nóng.
Khi được hỏi về cách xử lý cảnh nóng của “Đào, phở và piano”, Thùy Trâm nói: “Sốc”.
Cũng trong thời điểm này, dư luận xôn xao khi “Mai” dán nhãn T18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) lại thu hút khán giả đang là học sinh.
Việc xây dựng đề án dán nhãn phim từng là công việc gian khó của Cục Điện ảnh, các chuyên gia trong ngành và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tiêu chí để phân loại, đánh giá dán nhãn phim vốn luôn là câu chuyện gây tranh cãi với muôn chiều ý kiến.
Theo đó, cùng khai thác cảnh nóng, vì sao có tác phẩm dán nhãn T13, lại có phim phải dán nhãn T18?
Việc đề ra những quy định, tiêu chí phân loại cảnh nóng đã được bàn cãi, yêu cầu phải đi vào chi tiết, cụ thể, tỉ mỉ, đơn cử như: trong cảnh nóng diễn viên cởi quần áo đến đâu, lộ bao nhiêu phần trăm cơ thể, có lộ những bộ phận nhạy cảm không… Dựa trên những yêu cầu chi tiết, cụ thể, Hội đồng duyệt phim quốc gia sẽ đánh giá, nhận định để dán nhãn cho phim khi phổ biến, trình chiếu.
Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện sẽ vẫn nảy sinh những tranh cãi, bất cập, đơn cử như việc đánh giá về cảnh nóng giữa phim T13 và phim T18 rất dễ rơi vào cảm tính theo nhận định của khán giả.
Ở phim “Đào, phở và piano” dán nhãn T13, với những khán giả 14 tuổi (đang là học sinh lớp 9) đi xem, vẫn có thể rơi vào cú sốc như khán giả Thùy Trâm khi họ mang tâm lý ra rạp chỉ để xem một bộ phim lịch sử, chiến tranh.
Hay với phim 18+ “Mai” có nhiều cảnh nóng táo bạo hơn, nhưng lại đang tồn tại nhiều kẽ hở để học sinh dưới 18 tuổi vẫn mua được vé. Trong đó, việc mua vé online là con đường nhanh nhất, dễ nhất để trẻ em đi xem phim 18+.