Thực tế những năm qua, mỗi khi trên địa bàn biên giới, biển đảo của tỉnh xảy ra thiên tai, mưa bão, lũ lụt, tàu, thuyền gặp nạn trên biển… những người lính quân hàm xanh lại không quản vất vả, gian nan, nguy hiểm rình rập, khẩn trương ứng cứu. Sự có mặt kịp thời của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh đã kịp thời cứu hộ, giúp đỡ người dân trong khi gặp thiên tai, hoạn nạn, giúp nhân dân thêm vững tin bám biển, bám địa bàn. BĐBP đã trở thành “điểm tựa” vững vàng của nhân dân khu vực biên giới, vùng biển đảo.
Có mặt kịp thời tại những “điểm nóng”
Khoảng 23h ngày 3/8, một tàu cá vỏ gỗ mang biển kiểm soát HP-90159TS có chiều dài 13,5m, do anh Đinh Văn Vấn (SN 1986, HKTT tại phường Phương Nam, TP Uông Bí) làm thuyền trưởng (trên tàu có 4 thuyền viên) đang có hành trình từ vùng biển huyện Cô Tô vào Mũi Ngọc (phường Bình Ngọc, TP Móng Cái) thì bị hỏng máy, trôi dạt trên biển và mắc cạn ở gồ đá tại khu vực biển Đầu Tán (thôn 1, xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái). Khi bị va vào gồ đá, tàu cá của ngư dân bị bục, nước tràn vào khoang, nguy cơ chìm, thuyền trưởng đã đề nghị được cứu hộ khẩn cấp.
Nhận được tin báo, Đồn BP Cửa khẩu Cảng Vạn Gia đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện phối hợp với ngư dân địa phương tổ chức cứu hộ, đưa 4 ngư dân trên tàu vào bờ an toàn. Đồng thời gọi phương tiện đến hỗ trợ gia cố phần thân tàu bị hư hại, kéo tàu ra khỏi gồ đá. Ngay sau khi được đưa đến nơi an toàn, 4 ngư dân trên tàu gặp nạn đã được Đồn BP Cửa khẩu Cảng Vạn Gia hỗ trợ, nên sức khỏe ổn định, không ai còn hoảng loạn.
Trước đó, vào khoảng 2h ngày 22/2, tàu cá vỏ gỗ số hiệu TB-10383-TS với 4 thuyền viên đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Quảng Ninh thì bị bục ở mạn trái. Thời điểm ấy biển có sóng lớn nên lỗ thủng càng vỡ to, các thuyền viên không thể khắc phục. Đến khoảng 3h thì tàu bị chìm ở vùng biển thuộc TP Móng Cái.
Nhận được tin báo của quần chúng, dù mưa to, sóng lớn, Đồn BP Trà Cổ đã nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện cơ động ra hiện trường để cứu nạn; phối hợp với ngư dân địa phương đang hoạt động tại đây cứu 4 ngư dân gặp nạn và đưa vào bờ an toàn. Đến chiều cùng ngày, khi trời quang, mưa tạnh, nước thủy triều xuống, Đồn BP Trà Cổ tiếp tục hỗ trợ trục vớt tàu cá TB-10383-TS, lai dắt về cảng để sửa chữa.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc điển hình về sự sẵn sàng ứng phó với thiên tai, tham gia TKCN của BĐBP Quảng Ninh trong thời gian qua.
Sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống
Quảng Ninh là tỉnh ven biển, nhiều đồi núi, nên thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi hầu hết các loại hình thiên tai, trong đó nhiều nhất là bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn. Thực tế những năm gần đây, địa bàn tỉnh nói chung và khu vực biên giới, vùng biển nói riêng phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai lớn. Có những năm, địa phương phải gánh chịu liên tiếp 4-5 cơn bão và các đợt mưa lũ chồng lên nhau.
Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Ninh liên tiếp gánh chịu nhiều đợt mưa, bão lớn. Trên cơ sở chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên, bám sát tình hình thực tế địa bàn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố thiên tai, TKCN và triển khai tới các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc; góp phần quan trọng đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân mỗi khi mùa mưa bão đến.
Đại tá Nguyễn Văn Thiềm, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, cho biết: Xác định công tác PCTT&TKCN là nhiệm vụ chiến đấu của BĐBP trong thời bình, hằng năm Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đều sớm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị cơ sở xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai và TKCN phù hợp tình hình cụ thể của địa bàn, đơn vị; bố trí lực lượng, phương tiện thường trực, sẵn sàng cơ động, ứng cứu kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức về ứng phó với sự cố thiên tai.
BĐBP tỉnh thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, TKCN và ứng phó các sự cố thiên tai cho đội ngũ chỉ huy, cán bộ các đơn vị về quy trình xử lý vụ việc sát với tình hình thực tế, địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cơ sở chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, để tham mưu cho địa phương phối hợp với lực lượng chức năng gia cố, khắc phục, cảnh báo; duy trì nghiêm chế độ trực, chủ động nắm chắc tình hình thời tiết, thiên tai, tai nạn xảy ra trên khu vực biên giới, vùng biển… để kịp thời phối hợp với các lực lượng ứng cứu, hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang bị vật chất phục vụ công tác PCTT&TKCN; duy trì nghiêm túc các chế độ thường trực, đảm bảo lực lượng, phương tiện, vật chất sẵn sàng cơ động, xử lý khi có tình huống xảy ra.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, hiện nay các đồn biên phòng trong tỉnh đều thành lập tổ, đội xung kích, sẵn sàng cùng chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Với các giải pháp quyết liệt, phù hợp, 6 tháng đầu năm 2023, BĐBP tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng tại chỗ tổ chức 111 lượt phương tiện với 390 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện…
Nổi bật, khi cơn bão số 1 (Talim) vừa qua ảnh hưởng đến địa bàn Quảng Ninh, lực lượng biên phòng đã kịp thời cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương kêu gọi hàng nghìn phương tiện tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản và hàng vạn ngư dân di chuyển vào nơi tránh trú an toàn; cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ xuống tận cơ sở để giúp đỡ ngư dân sắp xếp, neo cột tàu thuyền, gia cố lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo bắn 3 lượt/18 quả đạn pháo hiệu báo bão; phân công cán bộ trực ban tại Bộ Chỉ huy và các đơn vị 24/24 giờ trong ngày; duy trì lực lượng thường trực cơ động sẵn sàng ứng phó với 240 cán bộ, chiến sĩ, 2 tàu, 16 xuồng cao tốc sẵn sàng ứng phó, xử lý những tình huống đột xuất xảy ra.