Những ngày tháng 10 này đến các thôn, bản vùng cao, biên giới, đến đâu chúng tôi cũng được chứng kiến không khí thi đua sôi nổi của quân và dân nơi tuyến đầu biên giới, thiết thực lập thành tích chào mừng 60 năm thành lập tỉnh. Phát huy truyền thống gắn bó “máu thịt” giữa quân và dân, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh và nhân dân trên địa bàn biên giới đang ngày đêm chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, góp phần đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Đoàn kết xây dựng khu vực biên giới giàu mạnh
Với vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Ninh đã và đang có nhiều chương trình, mô hình, phong trào, cách làm hay nhằm hỗ trợ người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trong chuyến công tác tại Đồn Biên phòng Quảng Đức mới đây chúng tôi có dịp cùng cán bộ Đội vận động quần chúng của đơn vị đưa trở lại thăm bản vùng cao biên giới Cấu Phùng, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Sau hơn 2 năm chúng tôi không khỏi ấn tượng với sự đổi thay về cảnh quan, môi trường sống ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp của vùng biên cương này.
Nhớ lại cách đây 2 năm, khi có dịp đi cùng cán bộ Đồn BP Quảng Đức đến bản Cấu Phùng, xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) vận động người dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, cảnh quan, môi trường trên địa bàn còn khá ô nhiễm; nhiều người dân ở đây vẫn còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm ngay cạnh nhà ở. Để giải quyết vấn đề này, Đồn BP Quảng Đức đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giúp bà con thấy rõ những tác hại của việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm gần nơi ở; một mặt báo cáo cấp trên để vận động kinh phí hỗ trợ người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi.
Từ cách làm trên, Đồn BP Quảng Đức đã phối hợp giúp đỡ được 15 hộ đồng bào DTTS ở bản Cấu Phùng di chuyển, xây dựng chuồng trại chăn nuôi ra xa khu nhà ở, với kinh phí hàng chục triệu đồng. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của đồng bào trong việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Phùn Quay Sáng (bản Cấu Phùng), người được giúp đỡ di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, chia sẻ: Bao năm nay chúng tôi đã quen với việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm cạnh nhà ở để tiện chăm sóc, trông coi. Được BĐBP tuyên truyền, giúp đỡ kinh phí, gia đình tôi đã thực hiện di chuyển chuồng trâu, bò ra xa nơi ở. Từ ngày di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, tôi thấy không khí, nhà cửa thoáng mát hơn, không còn mùi hôi thối nữa; môi trường sạch sẽ, sức khỏe người dân chúng tôi ngày được cải thiện. Chúng tôi rất biết ơn những việc làm thiết thực vì dân của cán bộ, chiến sĩ biên phòng lắm.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Hiệp, Chính trị viên Đồn BP Quảng Đức, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn gồm 11 xã, thị trấn biên giới thuộc 2 huyện Hải Hà, Đầm Hà. Dân số trên địa bàn có khoảng 60.000 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS. Do tập quán sinh hoạt, tổ chức sản xuất của nhiều người dân còn lạc hậu, cộng với địa hình chủ yếu là rừng núi, sông suối, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nên kinh tế chậm phát triển, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn. Xác định rõ đặc thù của địa phương, những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, CBCS Đồn BP Quảng Đức đã không quản gian khó thực hiện “3 bám”, “4 cùng” với người dân để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của đồng bào nơi biên giới. Căn cứ vào đó, tham mưu cho cấp trên ngành dọc và cấp uỷ, chính quyền địa phương huy động nguồn lực triển khai nhiều mô hình, đề án nâng cao nhận thức, tạo sinh kế, giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Đồn BP Quảng Đức đã huy động các nguồn lực, hỗ trợ kinh phí, ngày công giúp người dân trên địa bàn xây dựng được 1 “vườn cây kiểu mẫu” với diện tích 1.200m2, trồng gần 200 cây trà hoa vàng; tặng 300 con gà giống và 5 con lợn giống cho các hộ nghèo; xây dựng 19 căn nhà cho hộ nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Mái ấm biên cương”…
Thông qua các mô hình đang triển khai trên địa bàn, CBCS Đồn BP Quảng Đức đã góp phần không nhỏ giúp nhân dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời luôn an tâm, phấn khởi cùng BĐBP và cấp uỷ, chính quyền địa phương quyết tâm gắn bó, bám trụ nơi biên cương, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Củng cố lòng tin của người dân biên giới
Địa bàn khu vực biên giới BĐBP Quảng Ninh được giao quản lý gồm có 82 xã, phường, thuộc 10 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đời sống của người dân các khu vực biên giới của tỉnh ngày càng đổi thay, phát triển. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn nhiều rừng núi, sông suối giao thông đi lại khó khăn nên một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số ít quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới còn hạn chế. Trước thực trạng trên, với vai trò và trách nhiệm của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, ngoài nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, BĐBP Quảng Ninh đã và đang tích cực triển khai các hoạt động tham gia củng cố cơ sở chính trị, giúp người dân phát triển kinh tế – xã hội, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện mục tiêu đã đề ra hiện Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động đồng bộ nhiều biện pháp triển khai nhiều biện pháp để củng cố sức dân, góp phần huy động sức mạnh của toàn dân tham gia giữ gìn, xây dựng các khu vực biên cương giàu mạnh.
Theo đó, BĐBP tỉnh đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì hiệu quả các mô hình cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy ở 24 xã, phường và cấp ủy của 5 huyện, thành phố biên giới, biển đảo; 95 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản giáp biên và 467 đảng viên phụ trách 1.690 hộ gia đình ở khu vực biên giới, biển đảo. Từ mô hình này đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống, củng cố, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa quân với dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ biên phòng được tăng cường cho địa phương đã tham mưu cho cấp uỷ, ban chỉ huy đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đặc biệt là tham mưu duy trì và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế – xã hội tiêu biểu như: “BĐBP tỉnh Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM”, “BĐBP tỉnh Quảng Ninh chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”; “Tiết học biên cương”; “Nông dân tự quản về ANTT khu vực biên giới”; “Hãy làm sạch biển”; “Tuổi trẻ với mùa xuân biên giới”…
Nổi bật, từ đầu năm 2023 đến nay, BĐBP tỉnh đã hướng dẫn và giúp đỡ 6 hộ gia đình xây dựng “Vườn cây kiểu mẫu” với diện tích gần 20.000m2 (trà hoa vàng, cây bưởi da xanh, vườn na, ổi; tổ chức thăm hỏi, tặng 1.723 suất quà trị giá trên 1,8 tỉ đồng cho các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn biên giới; tặng 627 triệu đồng cho tổng số là 111 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong chương trình “Nâng bước em đến trường và con nuôi đồn biên phòng” với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng… Qua các hoạt động trên đã không ngừng củng cố tình quân – dân bền chặt, giúp nhiều người dân khu vực biên giới an cư, lạc nghiệp, tạo động lực để họ vượt khó vươn lên, thoát nghèo bền vững và vững vàng bám trụ trên biên giới cùng BĐBP bảo vệ vững chắc phên giậu của Tổ quốc.