Quỹ bình ổn giá xăng dầu ra đời nhằm góp phần bình ổn mặt bằng giá xăng dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định tăng trưởng và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, vai trò của quỹ này hiện khá mờ nhạt, việc điều hành trích lập và chi sử dụng quỹ những năm qua chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, tạo kẽ hở để các đối tượng xấu trục lợi.
Năm 2024, lực lượng chức năng đã thực hiện 53 lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó, có 14 lần trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu ma-dút ở mức 300 đồng/kg, các loại khác dừng trích lập và dừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Năm 2023, có khoảng 15 lần điều chỉnh mức trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu từ 100 đồng đến 650 đồng/lít, kg và chín lần chi sử dụng ở mức 14 đồng đến 950 đồng/lít, kg. Trên thị trường hiện có năm loại xăng dầu khác nhau như xăng Ron 95, xăng E5 Ron 92, dầu đi-ê-den, dầu hỏa và dầu ma-dút nhưng việc trích lập và chi sử dụng quỹ cho từng mặt hàng cụ thể lại không theo quy tắc cụ thể.
Về nguyên tắc, tiền được đổ vào một quỹ chung để dùng chi cho từng mặt hàng, nhưng thực tế, việc chi tiêu này chưa rạch ròi, thiếu minh bạch. Đơn cử, nếu cơ quan quản lý trích lập nhiều hơn và chi sử dụng ít hơn với mặt hàng dầu, trong khi trích lập ít hơn và chi sử dụng nhiều hơn với mặt hàng xăng sẽ gây ra bất bình đẳng. Mặt khác, điều này còn tạo kẽ hở để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gian dối, trục lợi. Thông báo số 15, ngày 4/1/2024, của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác điều hành, quản lý xăng dầu.
Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2021, Liên bộ Công thương-Tài chính quyết định mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thiếu cơ sở pháp luật, trong đó, chi bình ổn giá khi giá chưa tăng với số tiền hơn 1.142 tỷ đồng và chi bình ổn giá cao hơn mức tăng giá hơn 318 tỷ đồng. Tại kỳ điều hành từ ngày 1/1/2017 đến trước 15 giờ ngày 23/4/2018 ban hành văn bản điều hành giá không rõ ràng, dẫn đến 19/27 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập quỹ bình ổn giá sai chủng loại xăng Ron 95 với số tiền khoảng 1.013 tỷ đồng và chi sử dụng quỹ hơn 679 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo Luật Giá số 11/2012/QH13, cơ quan quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy định, quy chế phối hợp, dẫn đến có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng quỹ bình ổn giá sai mục đích, trong số này có 3/7 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ ba lần trở lên; có ba thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trích lập và chi sử dụng quỹ đối với xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách…
Có thể thấy, nguyên tắc hoạt động của quỹ là trích lập trước, chi sau. Thực chất là lấy tiền của người tiêu dùng để bù đắp giá trong tương lai cho nên người tiêu dùng không được lợi, việc điều hành quỹ không đáp ứng yêu cầu bình ổn.
Đại diện Bộ Công thương cho rằng, mặc dù việc trích lập quỹ thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập nhưng trước mắt vẫn nên duy trì quỹ này và sẽ lấy ý kiến để đưa ra cơ chế phù hợp, bảo đảm đúng với Luật Giá và các quy định liên quan. Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp xăng dầu, Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu do không còn phù hợp cơ chế điều hành giá bảy ngày như hiện nay, bởi giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới. Về bản chất, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ ngoài ngân sách, trích từ tiền của người dân cho nên quỹ không giúp người tiêu dùng giảm chi phí, do đó mặt hàng xăng dầu cần vận hành theo cơ chế thị trường, tránh tạo kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng kiếm lời bất chính, gây hỗn loạn như thời gian vừa qua.