Là một huyện đảo độc lập, có vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh, huyện Cô Tô luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến mất ANTT, đặc biệt là vào các dịp lễ hội đầu xuân. Trước tình hình đó, Công an huyện Cô Tô đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để làm tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn.
Nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm
Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ do trên địa bàn có nhiều người từ các tỉnh, thành khác đến làm ăn, sinh sống, nhất là khai thác và chế biến hải sản, thi công các công trình…, song Cô Tô luôn giữ được sự ổn định, không để xảy ra phạm pháp, đặc biệt là các vụ trọng án trên địa bàn. Đồng thời, ngay khi xảy ra vụ việc mất ANTT, lực lượng công an nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý, truy tìm đối tượng và động cơ gây án, không để hình thành điểm nóng, phức tạp trong dư luận.
Điển hình là vụ việc xảy ra vào hồi 22 giờ ngày 22/1/2024, Công an huyện Cô Tô tiếp nhận tin báo từ Công an thị trấn Cô Tô về việc tại khu lán công nhân chế biến sứa thuộc khu 4, thị trấn Cô Tô, xảy ra vụ việc xô xát, đánh nhau gây thương tích. Hậu quả là một người bị trọng thương phải đưa đi cấp cứu.
Tiếp nhận tin báo, Công an huyện Cô Tô đã khẩn trương tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập được xác định do mâu thuẫn trong sinh hoạt cá nhân giữa anh B.V.K (SN 2005) và nhóm công nhân do Lê Văn Sơn (SN 1989, trú tại thôn Đại Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là tổ trưởng, dẫn đến sự việc xô xát đánh nhau. Trong quá trình đó, Lê Văn Sơn đã dùng hung khí nguy hiểm (gậy tuýp sắt) đánh anh B.V.K bị thương tích, dẫn đến tổn hại 30% sức khỏe.
Sau khi gây ra vụ việc trên, nhận thức được hành vi sai trái của mình, ngày 27/1/2024, Lê Văn Sơn đã tự giác đến Công an huyện Cô Tô xin đầu thú, thành khẩn khai báo mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Ngày 5/2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cô Tô đã thi hành quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Văn Sơn về tội “Cố ý gây thương tích”, theo khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Đây là một trong số ít những đối tượng phạm tội trên địa bàn huyện Cô Tô kể từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay. Để có được kết quả đó, Công an huyện Cô Tô đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó đặc biệt chú trọng công tác quản lý địa bàn, đối tượng, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội.
Ghi nhận xã Thanh Lân vào đầu năm 2024, tại trụ sở Công an xã, một người đàn ông đang thực hiện ký cam kết không vi phạm pháp luật. Theo chia sẻ của Công an xã, người này thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng, mới hoàn thành thi hành án trở về địa phương. Đây là một trong những hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an xã để quản lý đối tượng, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ, liên quan đến những đối tượng thuộc diện quản lý trên địa bàn.
Không chỉ gọi các đối tượng lên trụ sở, cảnh sát khu vực Công an xã Thanh Lân cũng thường xuyên phối hợp với lực lượng ở cơ sở, đặc biệt là trưởng thôn, đến tận nhà các trường hợp tái hòa nhập cộng đồng, các đối tượng có dấu hiệu, nguy cơ vi phạm pháp luật để nắm tình hình, cũng như giáo dục pháp luật, răn đe, không để các đối tượng có cơ hội phạm tội.
Sự sát sao của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã là điều kiện tất yếu để xây dựng xã Thanh Lân trở thành một địa bàn sạch về ma túy, an toàn, ổn định, không xảy ra phạm pháp hình sự.
Đại úy Hoàng Trí Dũng, Trưởng Công an xã Thanh Lân, cho biết: Quản lý địa bàn xã đảo tiền tiêu của Tổ quốc với hơn 1.400 hộ dân, chúng tôi hiểu rõ nhiệm vụ không chỉ đảm bảo ANTT, mà mỗi CBCS còn là cột mốc chủ quyền trên mảnh đất biên cương này. Đây là một trong những động lực rất lớn giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, xa xôi, cách trở về địa lý để bám trụ và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Giữ vững an toàn địa bàn
Thống kê của Công an huyện Cô Tô cho thấy, cả đợt Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn huyện không xảy ra đốt pháo nổ trái phép, không ghi nhận các trường hợp vi phạm liên quan đến sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các loại pháo nổ và pháo hoa nổ.
Để có được kết quả đó, Công an huyện Cô Tô đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực. Tuyên truyền, nhắc nhở trực tiếp và qua các phương tiện thông tin đại chúng, các pano áp phích trực quan đến người dân về việc chỉ được phép sử dụng pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất và cung ứng; tổ chức cho 100% hộ dân ký cam kết không vi phạm về pháo; đồng thời khuyến khích người dân lên Công an xã, thị trấn đăng ký số lượng, địa điểm, thời gian đốt. Đây là 3 trong số nhiều biện pháp được Công an huyện Cô Tô áp dụng để quản lý địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân không sử dụng pháo trái phép. Chính điều này cũng đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức của người dân.
Ông Trần Tứ Hải, thôn 3, xã Thanh Lân, cho biết: Từ khi có lệnh của Chính phủ về việc cấm đốt pháo trong dịp lễ Tết, bà con trên đảo cũng đã nắm được tinh thần rất sớm và ở đây đa số bà con là người Công giáo, cũng thực hiện rất tốt chủ trương của Đảng, chỉ sử dụng pháo Quốc phòng, trong khu vực được cho phép.
Còn đối với anh Nguyễn Văn Thức, thôn 4, thị trấn Cô Tô, để tạo không khí vui vẻ, hân hoan đêm Giao thừa, sau khi được tuyên truyền, anh Thức đã đến trụ sở Công an thị trấn đăng ký và sử dụng pháo hoa theo đúng quy định của pháp luật.
Cho đến nay, trên địa bàn huyện Cô Tô không phát hiện các trường hợp vi phạm liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép. Người dân cơ bản thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, lực lượng công an vẫn tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt địa bàn, đặc biệt là trên tuyến biển, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, không để các nguồn pháo nổ có cơ hội thẩm lậu vào địa bàn; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện các vi phạm.
Không chỉ quản lý chặt chẽ về pháo, Công an huyện cũng tích cực quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, phòng ngừa các trường hợp sử dụng vũ khí tự chế trái phép để cố ý gây thương tích. Thiếu tá Trịnh Văn Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Cô Tô, cho biết: Công an huyện chỉ đạo lực lượng công an các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ địa bàn. Đồng thời thực hiện nghiêm công tác điều tra cơ bản tuyến biển, các đối tượng hoạt động trên tuyến biển, để nắm phương thức, thủ đoạn, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Những năm qua, với phương châm “an ninh chủ động”, tình hình an ninh xã hội trên địa bàn huyện Cô Tô được đảm bảo, không phát sinh vụ việc khiếu kiện, không xảy ra khiếu kiện vượt cấp, không có tình trạng tập trung đông người, không hình thành các “điểm nóng” về ANTT.
Công an huyện đã phối hợp cùng các ban, ngành trên địa bàn và chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an xã/thị trấn tiếp tục nắm tình hình, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm; tập trung phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Đồng thời kiểm soát tình hình, làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Vì thế, trên địa bàn không có tụ điểm phức tạp về ma túy, không để hình thành các đường dây, không có đối tượng hoạt động về ma túy liên tuyến, liên tỉnh. Đặc biệt trong năm 2023, toàn huyện Cô Tô không xảy ra tội phạm về ma túy.
Thiếu tá Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Công an huyện Cô Tô, nhấn mạnh: Để giữ vững an toàn địa bàn, chúng tôi hết sức chú trọng công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là trên tuyến biển; huy động tối đa lực lượng và phương tiện bảo vệ các sự kiện trọng đại diễn ra trên địa bàn. Đồng thời làm tốt công tác chính trị tư tưởng, quan tâm đời sống CBCS, để CBCS yên tâm công tác, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mục đích cuối cùng là bảo vệ bình yên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.