Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn xác định công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, tỉnh đã có nhiều chủ trương chính sách, đồng thời, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và củng cố vững chắc nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.
Là địa phương duy nhất cả nước vừa có đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với Trung Quốc. Điều kiện địa lý tự nhiên đó chứa đựng nhiều tiềm năng, thế mạnh để Quảng Ninh hội nhập, phát triển toàn diện. Nhưng quá trình phát triển cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là đối với công tác biên phòng. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách thận trọng trên mọi phương diện công tác, gắn với đặc thù của từng địa phương.
Trên quan điểm phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, mô hình hiệu quả như: “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển xanh, sạch”, xây dựng nông thôn mới… Qua đó đồng hành cùng chính quyền, người dân trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và củng cố tuyến biên phòng của tỉnh ngày càng vững mạnh.
Để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, tỉnh đã chú trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trong đó BĐBP làm nòng cốt phối hợp với các lực lượng, địa phương tham gia nhiều mô hình, phong trào giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào quản lý, bảo vệ biên giới; tổ chức tuần tra đường biên, cột mốc, tham gia tổ, đội tàu thuyền, bến bãi an toàn giúp nhau vừa vươn khơi bám biển, vừa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, các công trình, dự án lớn tại các khu vực biên giới hải đảo đã đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo như: Các dự án kinh tế – quốc phòng vùng ven biển và các đảo: Trần, Cô Tô, Ngọc Vừng; cầu Bắc Luân II; cầu cửa khẩu Hoành Mô; Cầu phao tạm tại Km3+4; Đề án 196 và Chương trình giảm nghèo bền vững đưa 17 xã, 54 thôn của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; Công trình điện lưới quốc gia đến Cô Tô và từng bước phủ lưới điện đến tất cả các xã đảo…
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác đối ngoại biên phòng trong tình hình mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương biên giới tổ chức tốt các hoạt động ngoại giao nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng BĐBP tập trung đổi mới công tác huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng, nhất là BĐBP thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh.