Quảng Ninh có hơn 600 di tích – danh thắng cùng với hàng trăm di sản văn hoá phi vật thể hàm chứa nhiều giá trị to lớn. Chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản theo quy định và gắn với phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương, trong những năm qua, nhiều di sản đã được đầu tư với quy mô lớn, tạo cảnh quan đẹp mắt, thu hút du khách…
Năm 2024 này, theo thống kê của Sở VH-TT tỉnh, số lượt người đến tham quan các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, lễ hội trên địa bàn đạt 8,5 triệu lượt, vượt kế hoạch là 1,5 triệu lượt (21,4%). Đây là con số rất đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào con số 19 triệu lượt khách của Quảng Ninh trong năm nay.
Năm 2024 cũng đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc hoàn thiện nội dung xây dựng Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Vào tháng 8 vừa qua, Quảng Ninh đã tổ chức đón các chuyên gia do UNESCO cử đến thẩm định thực địa tại các di sản trong quần thể trên địa bàn tỉnh và được đánh giá cao về nhiều mặt.
Chuẩn bị chu đáo cho sự kiện này, trước đó, Sở VH-TT Quảng Ninh đã phối hợp với Sở VH-TT&DL hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ, tổ chức hội nghị phổ biến thông tin sâu về Quần thể di sản Yên Tử cho rộng rãi cơ quan quản lý các cấp, chuyên gia, nhà khoa học, Giáo hội Phật giáo, doanh nghiệp, cộng đồng người dân địa phương của 3 tỉnh, góp phần quan trọng vào công tác đón đoàn chuyên gia của UNESCO.
Sau đó, đơn vị tiếp tục phối hợp trong việc chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo ý kiến thẩm định của chuyên gia UNESCO góp phần phục vụ tốt cho cuộc đối thoại thành công cấp chuyên gia của Việt Nam với chuyên gia của ICOMOS vào cuối tháng 11 vừa qua và chuẩn bị cho công tác tổ chức đoàn sang nước ngoài bảo vệ Hồ sơ tại Kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO, dự kiến vào giữa năm 2025 tới.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, ngành văn hoá của Quảng Ninh đã triển khai nhiều nhiệm vụ khác và đạt được những kết quả tích cực. Tháng 10/2023, Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là di tích kiến trúc – nghệ thuật đình Trà Cổ và Thương cảng Vân Đồn. Và ngay đầu năm 2024, ngành đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức công bố quyết định và đón bằng công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích đình Trà Cổ…
Bên cạnh đó, ngành cũng đã hướng dẫn công tác lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch đối với các di tích Thương cảng Vân Đồn, đình Trà Cổ, Khu danh thắng núi Bài Thơ, đền thờ vua Lê Thái Tổ. Tham mưu UBND tỉnh lập 3 quy hoạch di tích và phê duyệt 2 dự án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; quyết định và lựa chọn chủ đầu tư lập 2 dự án tu bổ di tích và một số nội dung về di tích, di sản, cụ thể như: Chủ trương thực hiện cắm mốc giới trên thực địa đối với di tích đã xếp hạng trên địa bàn TP Hạ Long; giao cho UBND TP Cẩm Phả xây dựng Nhiệm vụ lập Quy hoạch di tích và lập Quy hoạch Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông; tham mưu UBND tỉnh đối với việc sửa chữa Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long. Tham gia ý kiến 22 quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích…
Đối với các đơn vị trực thuộc như Bảo tàng Quảng Ninh, Sở đã chỉ đạo đơn vị phối hợp thực hiện báo cáo khai quật các di tích Hàm Long (TP Hạ Long), địa điểm Bãi Bằng (Đông Triều), phân loại, chỉnh lý hiện vật khai quật di tích Xích Thổ (Thống Nhất, TP Hạ Long), nghiên cứu, khảo sát các điểm khảo cổ trên Vịnh Hạ Long. Đặc biệt là việc khảo sát, thu thập thông tin về hiện vật cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc theo Hiệp ước Pháp – Thanh năm 1887 trên địa bàn tỉnh, phục vụ công tác làm Hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia đối với các hiện vật này. Khảo sát hiện trạng, lập hồ sơ trích ngang xin thỏa thuận xếp hạng Quốc gia di chỉ khảo cổ Ba Vũng (huyện Vân Đồn); di tích Thiên Long Uyển (Đông Triều); lập hồ sơ khoa học đưa vào Danh mục di tích chùa Yên Sinh, chùa Bãi Bằng (Đông Triều).
Đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cũng có nhiều khởi sắc. Đầu tháng 12 vừa qua, Quảng Ninh có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Tục Kiêng gió của người Dao xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu; Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, các huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà; Lễ mừng cơm mới của người Tày TP Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà. Qua đó nâng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 15 di sản.
Hiện nay, ngành đã khảo sát và đang hoàn thiện hồ sơ khoa học tiếp tục đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 4 di sản của Quảng Ninh, gồm: Trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Phán, Trang phục truyền thống dân tộc Sán Chỉ, Lễ cầu Mùa dân tộc Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh và Hát đối, hát giao duyên vùng biển tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2025 tới đây, cùng với các nhiệm vụ thường xuyên, ngành sẽ tiếp tục triển khai các Đề án tăng cường công tác quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản của Quảng Ninh trong giai đoạn tiếp theo.