Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, Cẩm Phả là vùng đất lắng đọng nhiều lớp trầm tích di sản văn hoá, con người, tài nguyên thiên nhiên, trong đó nổi bật là tài nguyên than đá với sự đa dạng và phong phú về cả chất và lượng. Chính vì vậy, khu vực Cẩm Phả bắt đầu được khai thác than từ rất sớm – ngay từ cuối thế kỷ XIX, rồi dần trở thành trung tâm sản xuất than lớn của Quảng Ninh và của cả nước. Trung tâm khai thác than lớn nhất cả nước này cũng là một trong những cái nôi của phong trào Cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX với cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ vào tháng 11/1936 cùng di sản tinh thần vô giá “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Trải qua hơn 180 năm hình thành và phát triển, ngành Than và những thế hệ thợ mỏ đi trước đã tạo dựng và để lại nhiều di tích có giá trị cho vùng mỏ Cẩm Phả. Hiện nay, Cẩm Phả là địa phương chiếm phần lớn cả về số lượng và giá trị các di tích ngành than của tỉnh Quảng Ninh với 4 di tích, trong đó 3 di tích được xếp hạng Quốc gia (Địa điểm lưu niệm Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai 30/3/1959, Ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai (nơi mở đầu cuộc Tổng bãi công năm 1936), trận địa pháo cao xạ – Cầu Poóc tích số 1 – Hầm chỉ huy của xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông), 1 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh (Lò giếng đứng Mông Dương). Bên cạnh đó, thành phố còn có các công trình gắn liền với lịch sử phát triển của ngành Than như: Nhà truyền thống Công ty than Đèo Nai, Khu lưu niệm Vùng than Cẩm Phả (gồm Nhà làm việc của Vavasseur – viên quan đại lý người Pháp, Dinh thự của chủ nhất và bệnh viện thời Pháp), Quảng trường 12/11…
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, các công trình, địa điểm gắn với ngành than, cũng là gắn với quá trình xây dựng và phát triển của thành phố, trong những năm qua, thành phố đã phối hợp với ngành Than thực hiện tốt công tác quản lý, phát huy giá trị di tích của ngành trên địa bàn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thành phố đã xác định phát huy giá trị truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của vùng Mỏ luôn là định hướng xuyên xuốt, là sợi chỉ đỏ trong công tác phát triển văn hoá, con người Cẩm Phả. Để cụ thể chủ trương đó, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các nghị quyết, các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TU ngày 20/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về “Tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục truyền thống và lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025”; Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 14/12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích và danh thắng trên địa bàn thành phố Cẩm Phả đến năm 2025, tầm nhìn 2030”; xây dựng quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Than và Thành ủy Cẩm Phả; xây dựng Đề án quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố Cẩm Phả đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Công tác quản lý, phát huy giá trị được chú trọng quan tâm. Trong đó, các di tích sau khi được xếp hạng đều được khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ lưu trữ quản lý khoa học; 4/4 di tích của ngành Than đều đã thành lập Ban/Tổ quản lý di tích và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Các đơn vị trực tiếp quản lý các di tích, cụ thể là Công ty Cổ phần than Đèo Nai-Cọc Sáu-TKV (đơn vị quản lý di tích Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai 30/3/1959), Công ty Tuyển than Cửa Ông TKV (đơn vị quản lý di tích Cầu Poóc-tích số 1 – Trận địa pháo cao xạ – Hầm chỉ huy của xí nghiệp tuyển than Cửa Ông), Công ty CP Vật tư – TKV (đơn vị quản lý di tích Ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai), Công ty Than Mông Dương (đơn vị quản lý Lò giếng đứng Mông Dương) đã phối hợp tích cực với chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ, khai thác, tu bổ tôn tạo các di tích. Đến nay, Di tích Địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai 30/3/1959 đã trở thành địa chỉ đỏ, là nơi cấp ủy, chính quyền thành phố tổ chức dâng hương, báo công với Bác các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại… Những di tích về ngành Than trên địa bàn thành phố không chỉ là chứng tích ghi dấu một giai đoạn hào hùng của lịch sử vùng Mỏ mà còn là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn cho thế hệ trẻ; là tài nguyên đặc thù, hấp dẫn góp phần phát triển ngành du lịch của thành phố Cẩm Phả.
Tuy nhiên, các di tích do ngành Than quản lý chủ yếu nằm trong khu vực sản xuất của các doanh nghiệp (trừ Di tích Trận địa pháo cao xạ), là di tích “sống” đang trực tiếp phục vụ mục đích sản xuất của các Công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) nên việc tuyệt đối tuân thủ nội quy và quy định an toàn là bắt buộc, do đó rất hạn chế trong công tác phát huy giá trị di tích, nhất là trong phát triển du lịch, như các di tích: Lò giếng đứng Mông Dương, Cầu Poóc-tích số 1, Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai 30/3/1959… Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích ngành Than trên địa bàn trong thời gian tới, thành phố đã xác định, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội từ thành phố đến phường, xã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy bằng kế hoạch, chương trình cụ thể gắn với thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về “Tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục truyền thống và lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa bàn thành phố Cẩm Phả giai đoạn 2020 – 2025” và các văn bản của Trung ương, của tỉnh, thành phố về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, danh thắng; hoàn thành Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố Cẩm Phả đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hằng năm thực hiện kiểm đếm, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết đảm bảo hoàn thành mục tiêu mà các Nghị quyết đã đề ra.
Thành phố cũng chú trọng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, phát huy giá trị di sản, di tích; phát huy có hiệu quả, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với ngành Than trong quản lý, phát huy giá trị di tích, trước mắt tích cực phối hợp với TKV nghiên cứu dự án tu bổ Di tích Ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai (trọng tâm là dự án Nhà giữ lửa truyền thống), kết nối các di tích do ngành Than quản lý, địa điểm khai thác than lộ thiên để du khách tìm hiểu về sản phẩm du lịch “Than” như: Quảng trường 12/11, Ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai, Địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai ngày 30/3/1959, Khu lưu niệm vùng than Cẩm Phả, Cầu Poóc-tích 1 – Trận địa pháo Cao xạ – Hầm chỉ huy của xí nghiệp tuyển than Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển Than Cửa Ông), Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia các nghề mỏ hầm lò….. Các đơn vị quản lý di tích tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, dành nguồn lực thỏa đáng để triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, tích cực phối hợp với cơ quan, đơn vị trong tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu của nhân dân, học sinh, du khách… tại di tích.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về ý nghĩa, giá trị, sự kiện gắn với từng di tích ngành Than trên địa bàn. Qua đó để mỗi người dân Cẩm Phả hiểu rõ hơn về lịch sử truyền thống của ngành Than nói riêng và của Cẩm Phả nói chung, nhất là sự gắn bó mật thiết, máu thịt “tuy hai mà một, tuy một mà hai” giữa Cẩm Phả và ngành Than, để mỗi người quyết tâm, đồng lòng, phát huy truyền thống truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, xây dựng thành phố Cẩm Phả ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.