Với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai các hoạt động bảo tồn các lễ hội, phục dựng, truyền dạy văn nghệ dân gian gắn với phát triển du lịch đặc trưng của địa phương.
Quảng Ninh hiện có 42 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, mỗi dân tộc có lễ hội riêng của mình gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất. Lễ hội đã làm cho không khí các thôn, bản tưng bừng sống động, đồng bào các dân tộc phấn khởi, hào hứng tham gia các hoạt động văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng, đồng thời tăng cường gắn kết cộng đồng không ngừng khơi dậy ở mỗi người dân ý thức gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền các giá trị văn hóa quý báu.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu… trên địa bàn tỉnh mang dấu văn hóa đặc sắc, đã và đang phát huy giá trị, trở thành những tài nguyên du lịch độc đáo thu hút đông đảo du khách thập phương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Nhắc đến các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số không thể không nhắc đến huyện Bình Liêu với trên 96% là dân tộc thiểu số sinh sống. Vì thế, Bình Liêu trở thành mảnh đất của các hội và lễ hội đặc sắc diễn ra suốt bốn mùa. Mùa xuân, hạ, Bình Liêu có lễ hội truyền thống như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng cọ, hội Kiêng gió; mùa thu, đông, mảnh đất miền biên giới lại rộn ràng với hội Mùa vàng, hội hoa sở…
Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Mỗi dân tộc ở Bình Liêu với phong tục tập quán, trang phục truyền thống, kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc riêng, đã dệt nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, đồng thời cũng là tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển kinh tế du lịch. Từ đây, các mô hình du lịch cộng đồng đã từng bước hình thành và mang lại hiệu quả. Các homestay mang phong cách bản địa, các hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, nghề truyền thống tại nhà người địa phương, các hoạt động biểu diễn văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian, đặc biệt đá bóng nữ Sán Chỉ trong các dịp lễ hội, ngày hội đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, gia tăng trải nghiệm cho du khách khi đến với Bình Liêu. Qua đó, mang lại lợi ích kép, giúp người dân vừa được hưởng lợi từ việc phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, tạo thu nhập, nâng cao đời sống, vừa đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa, lễ hội truyền thống.
Cùng với lễ hội Bàn Vương của người Dao được duy trì tổ chức hằng năm, giữa tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên huyện Ba Chẽ tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Tày. Phần lễ diễn ra với các nghi lễ then, cúng then cầu an, cầu cho mùa màng bội thu… Phần hội có thi đấu các môn thể thao (kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn) các hoạt động giới thiệu ẩm thực dân tộc Tày (thi giã bánh dày, làm bánh coóc mò); biểu diễn các nghề truyền thống của cộng đồng Tày (đan quạt cọ, đan lồng, đan nón mê, đan đó, đan mẹt, đan sàng…) đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Ông Chu Xuân Bảng, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, chia sẻ: Đã từ lâu, người Tày chúng tôi mong chờ ngày hội riêng của dân tộc mình. Đây là dịp để người Tày Ba Chẽ có thể giới thiệu những vẻ đẹp văn hóa, di sản văn hóa riêng có của đồng bào đến với bạn bè, du khách bốn phương, góp phần tạo nên bức tranh văn hoá huyện Ba Chẽ đa sắc màu.
Cùng với Bình Liêu, Ba Chẽ, các địa phương có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái đều tích cực phục dựng, bảo tồn, tổ chức các hoạt động lễ hội, ngày hội gắn với đời sống sinh hoạt, văn hóa của người dân phục vụ phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đồng thời, các địa phương cũng đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành; tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến, xây dựng và phát triển các chương trình tour hợp lý; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử, hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa.
Ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn). Việc hình thành các làng văn hóa sẽ trở thành những “bảo tàng sống” nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch bền vững.