Bảo tàng Quảng Ninh không những là mô hình tiêu biểu trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, đóng góp quan trọng vào sự phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa của Quảng Ninh.
Du khách xem Bảo vật Quốc gia trống đồng Quảng Chính tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Trong các ngành công nghiệp văn hóa, các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đã tạo được sự khác biệt với các công trình tiêu biểu về kiến trúc và mỹ thuật. Bảo tàng Quảng Ninh là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách với 3 tầng trưng bày hàng vạn hiện vật, tài liệu, trong đó có cả bảo vật quốc gia theo từng chủ đề.
Những năm qua, Bảo tàng Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực và phát triển trong việc tổ chức các triển lãm chuyên đề, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Từ năm 2020 đến nay, Bảo tàng đã tổ chức 19 cuộc triển lãm chuyên đề. Sau giai đoạn Covid-19, số lượng các triển lãm tăng đều, năm sau cao hơn năm trước. Riêng trong năm 2023, Bảo tàng đã tổ chức 6 cuộc triển lãm chuyên đề. Các cuộc triển lãm thường được tổ chức theo chủ đề cụ thể, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về lịch sử vùng đất, con người của Quảng Ninh.
Bên cạnh việc triển lãm các hiện vật, cổ vật, Bảo tàng còn là không gian lý tưởng để tổ chức triển lãm nghệ thuật. Tại lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo lý luận phê bình và quảng bá” tổ chức tại Hạ Long, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đánh giá Quảng Ninh là một trong số những tỉnh đứng đầu về các hoạt động triển lãm, bởi vì có các công trình tiêu biểu về kiến trúc và mỹ thuật như Bảo tàng với không gian kiến trúc độc đáo. Quảng Ninh có thể tổ chức triển lãm quốc tế, thu hút nhân vật nổi tiếng thế giới đến sáng tác và triển lãm. Nơi khác muốn để làm được điều đó cũng phải có những cơ sở hạ tầng tốt với không gian bảo tàng, không gian triển lãm như Quảng Ninh thì mới tổ chức được. Nhờ những tác phẩm này mà khách du lịch sẽ đến đông hơn, hình ảnh địa phương cũng được quảng bá rộng rãi hơn.
Bảo tàng Quảng Ninh đã và đang thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm và là một trong số ít các bảo tàng trên cả nước tự chủ tài chính chi thường xuyên. Năm 2019, tổng lượng khách tới Bảo tàng đạt hơn 367.000 lượt, tổng thu từ bán vé hơn 10 tỷ đồng. Dù phải chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng năm 2022, Bảo tàng vẫn có doanh thu bán vé đạt hơn 16 tỷ đồng. Năm 2023, Bảo tàng thu phí tham quan qua bán vé được hơn 13 tỷ đồng.
Năm 2024, Bảo tàng Quảng Ninh có lượng khách tăng cao nhất là dịp hè. Tính chung từ đầu năm đến nay đã đón trên 650.000 lượt khách, trong đó có khoảng 19.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ bán vé đạt trên 19,2 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2023. Bảo tàng có thể coi là mô hình tiêu biểu cho hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, khai thác hiệu quả những lợi thế so sánh về văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Từ ngày 30/9 tới đây, sau những nỗ lực phục hồi hậu quả bão số 3, Bảo tàng Quảng Ninh tiếp tục mở cửa trở lại đón khách.
Nhằm không ngừng gia tăng sức hấp hẫn, Bảo tàng Quảng Ninh đã tích cực sưu tầm hàng nghìn mẫu hiện vật đưa vào trưng bày, chỉnh lý các không gian trưng bày, ứng dụng hiệu quả công nghệ số nhằm đem lại cho khách tham quan sự trải nghiệm mới mẻ, đa chiều. Việc đưa vào hoạt động ứng dụng bảo tàng ảo khiến cho toàn bộ không gian thực của bảo tàng đã được mô hình hóa trong không gian ảo 3D để người dùng internet có thể tham quan từ xa, góp phần quảng bá rộng rãi tới khách tham quan, nhất là khách nước ngoài.
Chiến sĩ trẻ xem triển lãm những hình ảnh chiến đấu của cha ông.
Trong thời gian tới, Bảo tàng Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực xây dựng các mô hình trải nghiệm văn hóa, gắn kết di sản văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội, đánh thức giá trị di sản, biến di sản thành tài sản du lịch, biến văn hóa thành hàng hóa, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, vị thế của thiết chế văn hóa cấp tỉnh, phát huy hơn nữa vai trò trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tại Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa” tổ chức ở Hạ Long, ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ VH,TT&DL), nhận định: Bảo tàng Quảng Ninh xứng đáng là mô hình đáng để học tập, nơi mà vừa đảm bảo được hiệu ích xã hội, vừa có thể khai thác được hiệu ích kinh tế. Từ những thành công của Quảng Ninh cũng mang đến cái nhìn trực quan, sinh động hơn trong phát triển các thiết chế văn hóa’’.