Sau 2 năm thực hiện, Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống. Với mức chuẩn trợ giúp xã hội được Quảng Ninh thực hiện bằng 1,4 lần mức của Chính phủ và các mức trợ giúp khác cũng được tỉnh nâng cao hơn so với quy định chung đã góp phần quan trọng ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng trợ giúp xã hội.
Gia đình anh Nguyễn Thành Luân (xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên) là hộ có gia cảnh khó khăn, vợ bị thần kinh không làm được việc nặng, 2 con nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh. Những năm qua, gia đình anh Luân luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương. Đặc biệt, từ khi được hưởng sự hỗ trợ theo Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh với mức hỗ trợ tăng thêm đã giúp gia đình anh có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống.
Anh Luân cho biết: Từ ngày 1/8/2021, hằng tháng gia đình tôi đều nhận được hỗ trợ từ tỉnh dành cho đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế sinh sống tại cộng đồng. Với mức hỗ trợ tăng hơn trước đã giúp gia đình tôi giảm bớt gánh nặng, có thêm tiền mua thuốc cho con. Đến giờ sức khỏe các cháu đã ổn định hơn, được đến trường với bạn bè, tôi cũng yên tâm lao động để ổn định cuộc sống.
Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV đã thảo luận, thống nhất thông qua Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn Quảng Ninh. Nghị quyết ra đời với nhiều chính sách mới, như mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng lên 450.000 đồng/tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế sinh sống tại cộng đồng, giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/12/2022 và tăng lên 500.000 đồng/tháng từ ngày 1/1/2023 trở đi, cao hơn 1,38 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Còn đối với người được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 500.000 đồng/tháng. Đồng thời bổ sung thêm nhóm đối tượng mới là trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cùng với trợ cấp xã hội hằng tháng, các đối tượng thụ hưởng sẽ được hỗ trợ về BHYT; chi phí khám, chữa bệnh; học phí và chi phí học tập cho trẻ đang đi học; chi phí mai táng; các hỗ trợ đột xuất (hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng; hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ lương thực) và một số nội dung đặc thù khác như hỗ trợ sau thoát nghèo, hỗ trợ vật dụng sinh hoạt cho đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội…
Theo thống kê của UBND tỉnh, sau hơn 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có hơn 41.000 đối tượng được thụ hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng, với kinh phí trên 300 tỷ đồng/năm; trên 28.000 người được hỗ trợ BHYT, với tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng/năm; trên 15.000 lượt trẻ được hỗ trợ học phí và chi phí học tập; gần 2.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ chi phí mai táng; gần 200 trẻ được hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh hằng năm. Cũng trong 2 năm qua, đã có 13 hộ gia đình bảo trợ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với kinh phí gần 30 tỷ đồng; 13 hộ được hỗ trợ lương thực với kinh phí trên 100 triệu đồng
Đối với các cơ sở trợ giúp xã hội và đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, trung bình mỗi năm có khoảng 160 đối tượng tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được hỗ trợ kinh phí mua vật dụng sinh hoạt; hỗ trợ BHYT…
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Nghị quyết số 21 sau khi được ban hành và triển khai thực hiện đã tác động tích cực đến đời sống của người dân, đáp ứng được tình hình thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác an sinh xã hội. Mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh cao hơn của Chính phủ 1,4 lần, các mức trợ giúp khác nâng cao hơn so với quy định chung, đã góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng trợ giúp xã hội, giúp họ tăng thêm vị thế xã hội trong gia đình và cộng đồng.
Đối tượng yếu thế của tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 21 đã được các địa phương rà soát hỗ trợ kịp thời, không để sót, lọt đối tượng. Các chính sách về hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ điều trị bị thương nặng, về hỗ trợ BHYT, chi phí khám, chữa bệnh, học phí, mai táng phí… đã tác động mạnh mẽ trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến an sinh xã hội như tỷ lệ tham gia BHYT, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, an sinh xã hội tới một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thúc đẩy tiến bộ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND đã thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Quảng Ninh đến công tác an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Nghị quyết đã góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung, của các đối tượng bảo trợ xã hội nói riêng ngày càng nâng lên. Qua đó, tiếp thêm niềm tin, nghị lực, động viên cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế vươn lên trong cuộc sống.