Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4% so với cùng kỳ góp phần đưa tổng giá trị 7 tháng vượt trên 3,6 triệu tỷ đồng.
Nhu cầu nội địa tăng qua các tháng cho thấy tổng cầu nền kinh tế đang được nâng lên. Đây là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng đạt trên 420.000 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hà Nội tăng trên 11%, còn các địa phương du lịch trọng điểm như Quảng Ninh, Đà Nẵng tăng đến 23 – 25%, góp phần duy trì mức tăng trưởng cao của thị trường trong nước.
Có cầu thì ắt có cung vì thế nhu cầu thị trường nội địa tăng trưởng sẽ là động lực cho nền kinh tế, đặc biệt vào thời điểm cuối năm do tính chất mùa lễ hội nhu cầu thị trường càng tăng vào cuối năm.
Thời gian qua, các giải pháp như giảm thuế, mở rộng tín dụng tiêu dùng, tiếp tục cải cách thể chế đã có tác động thúc đẩy thị trường nội địa để từ đó lan tỏa, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Bà Đinh Thị Thúy Phương – Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho biết: “Chính phủ quyết định giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% và đưa Luật Giá có hiệu sẽ góp phần bình ổn giá cả hàng hoá, đạt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa trong năm 2024 tăng 9%”.
Trong lúc các trụ cột tăng trưởng khác cần thời gian để lan tỏa thì thúc đẩy tiêu dùng chính là giải pháp nhanh nhất, ít tốn kém nhất nhưng có khả năng đạt hiệu quả cao nhất. Vì thế, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để GDP về đích trong năm nay.