Với sự vào cuộc của các cấp ủy, công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước (DNNNN) đã tạo được những hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, thực tế và khách quan cho thấy, đây vẫn là nhiệm vụ khó với nhiều thách thức. Những khó khăn này được nhìn nhận không chỉ của riêng Quảng Ninh, mà còn là thực tế tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Những “khoảng trống”
Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Cái Lân (KCN Cái Lân) là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập từ năm 2004 với nhiệm vụ chế biến, thu mua dăm gỗ để xuất khẩu và trồng rừng nguyên liệu cho thị trường Nhật Bản. Tháng 1/2/2012, Chi bộ Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Cái Lân thành lập. Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, công tác phát triển Đảng của chi bộ vẫn “dậm chân tại chỗ”. Gần 6 năm nay, chi bộ chưa kết nạp được đảng viên mới. Doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể mất nhiều năm kiên trì theo đuổi, vận động, thuyết phục, nhưng vẫn không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Cái Lân Nguyễn Đức Quang cho biết: Hiện công ty có 61 cán bộ, công nhân, lao động ở độ tuổi 40-55 tuổi, gắn bó với công ty từ khi thành lập. Nhiều năm nay công ty chưa tuyển mới lao động. Lao động lớn tuổi là một trong những khó khăn lớn nhất tác động tới công tác phát triển Đảng của chi bộ. Thêm vào đó, những khó khăn từ nền kinh tế, dịch bệnh, thiên tai, nhất là cơ bão số 3 vừa qua khiến doanh nghiệp bị thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 15 tỷ đồng đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số vị trí phải tạm dừng hoạt động, tiền lương công nhân bị giảm sút, nên người lao động chưa mặn mà, hoặc không có nguyện vọng vào Đảng. Năm 2023 chi bộ đã hoàn thành bồi dưỡng, hoàn thiện hồ sơ đối với 1 quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng kết nạp, nhưng quần chúng này lại chuyển công tác.
Công ty TNHH Thành Đạt Uông Bí do ông Lê Trọng Thành làm giám đốc. Mặc dù ông Thành có thâm niên 35 năm là Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Thành Đạt Uông Bí, nhưng công tác phát triển đảng viên thời gian qua của chi bộ vẫn gặp những trở ngại. Đơn vị có 120 cán bộ, nhân viên, lao động, trong đó có 43 đảng viên. Hiện chi bộ đang hoàn thiện hồ sơ đối với 1 quần chúng.
Bí thư chi bộ Lê Trọng Thành thẳng thắn chia sẻ: Chi bộ luôn quan tâm, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho NLĐ trong công ty phát triển để trở thành đảng viên. Bên cạnh tạo điều kiện tối đa về thời gian, bố trí đảm nhận vị trí quan trọng tại phân xưởng và công ty để tạo điều kiện cho NLĐ phát huy năng lực, chi bộ và bộ phận chuyên môn còn nghiên cứu xây dựng chế độ khuyến khích để quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng. Tuy nhiên, do điều kiện làm việc nhiều áp lực đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, nhu cầu của một bộ phận NLĐ. Sau thời gian làm việc hay tăng ca, NLĐ thường có tâm lý muốn dành thời gian nghỉ ngơi, nhiều người không mặn mà đến việc tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức, chính trị. Thậm chí, một bộ phận NLĐ chưa giác ngộ lý tưởng cách mạng, có tâm lý ngại tham gia các tổ chức, ngại sinh hoạt Đảng, ngại đóng đảng phí, đoàn phí…
Không chỉ riêng Chi bộ Công ty TNHH Thành Đạt Uông Bí, tại TP Uông Bí do khó khăn trong công tác lãnh đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động, giới thiệu nguồn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng; một số doanh nghiệp doanh thu bị sụt giảm, việc làm của NLĐ thiếu ổn định, nợ lương, nợ thuế, nợ BHXH kéo dài… vì vậy nhiều năm nay Đảng bộ Các đơn vị kinh tế tư nhân của thành phố không hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên. Tính đến hết tháng 9, đảng bộ mới kết nạp được 16 đảng viên, hoàn thành 64% kế hoạch năm 2024.
Việc duy trì hoạt động, phát triển tổ chức đảng và đảng viên đã khó, song thời gian qua một số chi bộ trong DNNNN trên địa bàn tỉnh phải giải thể do công ty không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảng viên nghỉ hưu, hoặc nghỉ việc, chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú. Tại TP Cẩm Phả, từ đầu năm 2024 đến nay, do điều kiện sản xuất kinh doanh thu hẹp, không có việc làm, nhiều đảng viên của Chi bộ Công ty CP Xây dựng, phát triển nhà ở Cẩm Phả và Chi bộ Xí nghiệp Phú Cường đã xin chấm dứt hợp đồng lao động chuyển về đơn vị mới, hoặc xin nghỉ việc, có nhu cầu chuyển sinh hoạt về nơi cư trú. Thường trực Đảng ủy Các đơn vị kinh tế tư nhân TP Cẩm Phả đã báo cáo, xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ giải thể 2 chi bộ này, đồng thời chuyển toàn bộ đảng viên về nơi cư trú theo nguyện vọng của cá nhân.
Tương tự, huyện Ba Chẽ hiện có 78 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp, tuy nhiên từ đầu năm đến tháng 9/2024, Đảng bộ huyện mới chỉ kết nạp được 1 đảng viên ở DNNNN, sinh hoạt tại chi bộ thôn. Đến nay, Ba Chẽ chưa có tổ chức đảng tại DNNNN. Theo đánh giá chung của các địa phương, việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên vẫn còn những khó khăn, bởi hầu hết các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng ít lao động, hoặc lao động thời vụ, mang tính chất gia đình, ít quan tâm đến những nhiệm vụ mang tính chính trị…
Tại hội nghị Ban Chấp hành mở rộng sơ kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024 của Đảng uỷ Các đơn vị kinh tế tư nhân TP Hạ Long, các đại biểu tham dự hội nghị nêu rõ: Việc phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của tổ chức đảng trong DNNNN còn tồn tại khó khăn, nhất là đối với các chi bộ liên kết và chi bộ có cấp ủy viên không nằm trong bộ máy lãnh đạo của công ty; chế độ thông tin báo cáo có lúc, có việc chưa kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát đã được tăng cường, tuy nhiên vẫn còn đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số đảng viên chưa nghiêm, dẫn đến vi phạm phải xử lý kỷ luật; công tác chỉ đạo củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trong các doanh nghiệp còn hạn chế; việc tạo nguồn kết nạp đảng viên ở một số đơn vị còn khó khăn.
Toàn tỉnh hiện có 11.574 doanh nghiệp, DNNNN và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong khi chỉ có 30 đảng bộ cơ sở với 410 chi bộ trực thuộc và 13 chi bộ cơ sở, bao gồm tổng số 5.482 đảng viên. Điều này cho thấy, công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp nói chung, DNNNN nói riêng hiện nay vẫn còn nhiều “khoảng trống”.
Nguyên nhân cốt lõi
Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Đức Thọ cho rằng: Việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong DNNNN trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, nên số lượng, chất lượng, hiệu quả của các tổ chức đảng và đảng viên ở một số cơ sở chưa tương xứng với quy mô, phát triển của doanh nghiệp. Qua nắm bắt, đây là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nguyên nhân cơ bản được xác định là việc ban hành các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của các cấp ủy về công tác xây dựng Đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân chưa đủ mạnh, thiếu đồng bộ. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các tổ chức đảng, đoàn thể trong đơn vị kinh tế tư nhân còn chậm đổi mới.
Số lượng NLĐ thường xuyên trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không nhiều, chủ yếu là hợp đồng thời vụ, thời gian làm việc không ổn định. Phần lớn đảng viên trong DNNNN là lao động phổ thông, ít tham gia vào hội đồng quản trị, ban giám đốc, đội ngũ chuyên viên kỹ thuật… nên chưa thực sự tiêu biểu, uy tín. Thậm chí, có một số chủ doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp FDI không mặn mà thành lập tổ chức đảng. Cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân hầu hết là kiêm nhiệm, vì vậy quỹ thời gian dành cho chuyên môn, nghiệp vụ ở một số đơn vị kinh tế tư nhân chưa được coi trọng, bố trí hợp lý.
Một số cấp ủy địa phương cho biết, hiện nay các chủ doanh nghiệp đa phần không phải là đảng viên, vì vậy nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội chưa thực sự đầy đủ, còn có tâm lý lo ngại ràng buộc về mặt chính trị, tổ chức, do đó chưa có nhiều động thái tạo điều kiện cho phát triển đảng viên và thành lập tổ chức đảng.
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Các đơn vị kinh tế tư nhân TP Cẩm Phả Đỗ Đức Hồng, hiện Đảng bộ Các đơn vị kinh tế tư nhân TP Cẩm Phả có 28 chi bộ với 461 đảng viên. Tuy nhiên trong số đó chỉ có 19 đảng viên là chủ doanh nghiệp đang sinh hoạt tại 15 chi bộ. Các chủ DNNNN đa phần không phải là đảng viên nên nhìn chung họ dành nhiều quan tâm, chú trọng tới lợi nhuận kinh doanh, chưa tạo điều kiện thành lập các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức đảng để NLĐ tham gia sinh hoạt. Ở một số doanh nghiệp có công nhân là đảng viên, nhưng do không có chi bộ nên họ phải tham gia sinh hoạt ở nơi cư trú.
Các tổ chức chính trị – xã hội như công đoàn, thanh niên, phụ nữ… được đánh giá là nền tảng quan trọng góp phần phát triển tổ chức đảng và phát triển đảng viên vững mạnh, chất lượng. Tuy nhiên, hiện nhiều DNNNN trong tỉnh chưa có các tổ chức này, hoặc có nhưng hoạt động chưa hiệu quả, kéo theo đó việc thành lập tổ chức đảng gặp những khó khăn nhất định. Bên cạnh việc nhiều chủ doanh nghiệp không mặn mà, chưa đổi mới nội dung, phương thức tổ chức sinh hoạt Đảng cho phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp, hiện chưa có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.121 tổ chức công đoàn cơ sở với 81.278 đoàn viên tại DNNNN (chiếm 9,63% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh). Trong đó, doanh nghiệp kinh tế tư nhân có 1.056 tổ chức công đoàn cơ sở, với 39.299 đoàn viên; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 65 công đoàn cơ sở, với 41.979 đoàn viên. Bên cạnh tổ chức công đoàn, số DNNNN có tổ chức đoàn thanh niên ở mức khiêm tốn, với 61 tổ chức và 6.095 đoàn viên. Đây cũng là vấn đề mà các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, địa phương trong tỉnh trăn trở thời gian qua.
Chủ tịch LĐLĐ TX Quảng Yên Dương Đình Quân cho biết: Việc thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và LĐLĐ tỉnh. Tuy nhiên đến nay trên địa bàn TX Quảng Yên chỉ có 57 tổ chức công đoàn cơ sở tại các DNNNN, trong đó có 19 tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN. Việc thành lập tổ chức công đoàn còn nhiều vướng mắc, bởi hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, hoặc có hoạt động nhưng ít công nhân, lao động. Nhiều doanh nghiệp thuê đất, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng ở một nơi, nhưng hoạt động ở những đơn vị khác, nên việc xây dựng tổ chức công đoàn chưa được quan tâm đúng mức và thiếu chặt chẽ. Việc tiếp cận doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến cho công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng tổ chức công đoàn, tổ chức đảng vẫn là thách thức không nhỏ.
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển Đảng trong khối DNNNN. Thực tế này đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từng bước gỡ “nút thắt” để các doanh nghiệp cởi mở, quyết tâm hơn nữa trong thành lập chi bộ đảng và phát triển đảng viên tại đơn vị mình.
Bài 3: Vững “nền”, bền “gốc