Từ một huyện miền núi nghèo nằm ở khu vực Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, sau 10 năm nỗ lực triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), với nhiều cách làm sáng tạo, riêng có, huyện Tiên Yên đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào khi trở thành huyện miền núi dân tộc đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Luồng gió mới từ Nghị quyết 01
Năm 2010, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, Tiên Yên bắt tay vào thực thiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM trong điều kiện xuất phát điểm kinh tế thấp. Huyện nằm ở khu vực có nhiều đồi núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, toàn huyện khi ấy còn 4 xã, 18 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 12%. Cùng với đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, năng suất và hiệu quả kinh tế khá thấp. Đối chiếu với Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, Tiên Yên khi đó mới chỉ đạt 2/19 tiêu chí, 10/39 chỉ tiêu của huyện đạt chuẩn NTM. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòn bẩy để thay đổi tích cực, toàn diện diện mạo nông thôn, Tiên Yên đã nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, đồng thời quán triệt đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động được tăng cường với các hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn đã phát huy tác dụng tích cực trong việc thay đổi nhận thức, hành động của đại đa số người dân trong vai trò chủ thể, đồng tâm hợp sức xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/10/2010 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 được ra đời như một “Kim chỉ nam” định hướng cho Tiên Yên trong bước đi đầu tiên trên hành trình xây dựng NTM. Theo đó, huyện đã chủ trương lấy hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây NTM, đồng thời, chủ động xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình, phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả cũng như góp phần giảm kinh phí đóng góp đối ứng của nhân dân. Ý Đảng hòa quyện với lòng dân, sức mạnh của tinh thần đồng thuận, chung tay góp sức vì mục tiêu chung được nhân lên với những hành động thiết thực, hiệu quả.
Với tinh thần “Đồng nhất hội tụ trí tuệ để lan toả lợi ích” gắn phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chương trình đã tạo được niềm tin và động lực cho sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, lần lượt các nhóm vấn đề khó được huyện từng bước triển khai. Trong đó, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế được lấy làm nhiệm vụ trọng tâm, phát triển kinh tế được lấy làm nhiệm vụ then chốt; tuyên truyền vận động nhân dân thi đua xây dựng nông thôn mới là động lực, đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới lan tỏa đến mọi ngõ ngách, ngôi nhà các thôn, xóm trên địa bàn huyện.
Đồng chí Hoàng Văn Sinh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: “Xuất phát từ tình hình thực tế, chú trọng phát huy những giá trị cốt lõi của địa phương để đưa ra định hướng phát triển kinh tế xã hội, huyện Tiên Yên đã xác định công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu. Hàng nghìn cuộc họp dân, tuyên truyền qua các hệ thống phương tiện thông tin của huyện được triển khai liên tục. Từ đó, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương, nhiều cán bộ, đảng viên đã tiên phong đi đầu trong phong trào, hiến đất, làm đường tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, người dân vì thế đã hiểu và chung tay xây dựng NTM”.
Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới
Điểm nhấn nổi bật trong 10 năm xây dựng NTM ở Tiên Yên phải kể đến đó là sự vào cuộc chủ động, tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nhiều nơi đời sống người dân còn khó khăn, song với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Tiên Yên đã huy động tối đa sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng NTM. Tuyến đường liên xã Đại Phong là minh chứng cụ thể, rõ nét nhất cho tinh thần đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm của nhân dân các dân tộc huyện Tiên Yên trong xây dựng công trình đường giao thông NTM. Tuyến đường có chiều dài 11km với dự toán kinh phí thi công khoảng 15,5 tỷ đồng. Nhưng với sự chung tay góp sức của nhân dân, tự nguyện hiến đất làm đường, kinh phí đầu tư đã tiết kiệm được gần 3 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên huyện Tiên Yên là lực lượng chủ chốt, phối hợp với các lực lượng thanh niên tình nguyện và bà con nhân dân các xã Đại Dực, Phong Dụ đảm nhận thi công. Sau hơn 6 tháng thi công, tuyến đường Đại Phong đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường không những mang lại niềm vui cho nhân dân các dân tộc 3 xã khó khăn của huyện Tiên Yên mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tạo điều kiện cho người dân các xã vùng cao của huyện vươn lên thoát nghèo.
Chị Sằn Móc Làu, xã Đại Dực phấn khởi cho biết: “Có con đường mơ ước như thế này người dân rất vui, bây giờ người dân đi lại thuận tiện hơn nhiều rồi. Không chỉ đi lại thuận tiện mà người dân ở những vùng khó khăn, xa xôi chúng tôi đã có thể phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Việc mở những con đường đến các thôn bản vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Chương trình xây dựng NTM thực sự đã trở thành một luồng gió mới giúp người dân vùng cao thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên quê hương”.
Với quan điểm xuyên suốt “người dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới”, trong giai đoạn 2010 – 2019, huyện Tiên Yên đã vận động người dân hiến trên 460 nghìn m2 đất các loại, đóng góp 115 nghìn ngày công và hàng trăm tỷ đồng để xây dựng NTM. Nhờ đó, huyện đã tiết kiệm được tối đa nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng các công trình. Nhiều thôn, xóm có đường mới đổ bê tông rộng rãi, nhiều công trình dân sinh được hoàn thành sớm hơn do với dự kiến. Đa số các công trình trọng điểm được xây dựng trên địa bàn huyện đều có tổng mức đầu tư đều giảm tối đa kinh phí so với dự toán ban đầu.
Đơn cử như dự án cải tạo, nâng cấp 3 tuyến đường thị trấn Tiên Yên với tổng dự toán ban đầu là 174 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi huyện huy động nguồn lực xã hội hóa cùng với vận động người dân hiến đất, tham gia ngày công làm đường, đến khi hoàn thành hai tuyến, quyết toán chỉ hết gần 25 tỷ đồng. Hay như tuyến đường Quế Sơn, xã Đông Ngũ, dự toán ban đầu hơn 10 tỷ đồng, sau khi hoàn thành chỉ hết 5 tỷ đồng… Như vậy, các tuyến đường được triển khai trên địa bàn huyện Tiên Yên sau khi huy động xã hội hoá đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 140 tỷ đồng. Điều đó, cho thấy chương trình xây dựng NTM thực sự là một chủ trương đúng đắn đang ngày càng lan tỏa và được cộng đồng doanh nghiệp và người dân Tiên Yên tham gia hưởng ứng tích cực.
Bên cạnh đó, huyện còn quan tâm triển khai các dự án, chương trình phát triển sản xuất với trên 200 dự án đã được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước trên 13 tỷ đồng. Với cách làm cứ 1 đồng hỗ trợ của Nhà nước đã huy động được 7,2 đồng đối ứng của người dân, tạo ra sức sản xuất mới hăng say làm kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Với sự quan tâm, đầu tư đúng hướng, tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 46,5 triệu đồng/người/năm gấp 2,3 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,41%.
Từ một địa phương có xuất phát điểm kinh tế – xã hội thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, sau thời gian kiên trì thực hiện, đến năm 2019, 100% xã trên địa bàn huyện Tiên Yên hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Trong đó, có 3 xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện hoàn thành Chương trình 135 và chương trình xây dựng NTM trước 01 năm so với kế hoạch đề ra. Ngày 6/1/2021, huyện Tiên Yên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây cũng là huyện miền núi dân tộc đầu tiên của khu vực phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM, về đích trước 1 năm so với lộ trình đề ra.