Người Tày Quảng Ninh có văn hóa đặc sắc là đón các bà then về làm nghi lễ then cầu bình an, cầu những điều tốt đẹp. Trong diễn xướng nghi lễ then cổ, lời then trực tiếp miêu tả đoàn quân then rầm rập mang lễ vật qua các bản mường trời để đến nơi cao nhất.
Then tức là thiên nghĩa là trời, do đồng bào phát âm chệch đi mà thành then. Lời then diễn tả quãng đường đi gập ghềnh gian khổ, với vô vàn những hiểm nguy nhưng cũng vô cùng thi vị. Tiếng đàn tính như nâng lời ca bay bổng thêm, khiến người nghe như cũng đang hòa cùng từng bước đi của đoàn quân then với cờ xí, ngựa xe, lễ vật rợp trời… Xét về mặt nghi lễ, với tư cách là một hình thái sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, hát then chứa đựng những tín ngưỡng nguyên thủy và rất gần với diễn xướng hát văn chầu thánh của người Kinh. Trong đời sống văn hóa cộng đồng của đồng bào, then là khúc hát cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm.
Bà then là người thuộc các làn điệu then (còn nói thuộc nhiều đường then), thậm chí một đường then dài đọc cả đêm không hết. Mỗi đường then gắn với một nghi lễ, nhưng thường có một số nghi lễ (đường then) tiêu biểu sau đây: Hát khoăn là nghi lễ chúc thọ người cao tuổi, giải hạn là nghi lễ thường được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, lảu then được coi là một “đại tiệc diễn xướng” thường được tổ chức từ tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng. Làm lảu then để tỏ lòng thành kính của các then với Ngọc hoàng và những bậc tiền bối đã khuất. Đại lễ được tổ chức trong khoảng ba ngày, những người cùng làm then có chung sư phụ (được gọi là bạn tràng) sẽ cùng nhau diễn xướng. Khác với các lễ khác, lảu then có cả vũ đạo (múa then), nhạc điệu (đàn tính) cùng với lời ca có nhiều làn điệu khác nhau không gây nhàm chán.
Trong then nghi lễ, tùy hoàn cảnh có thể khác ở cách chuẩn bị lễ vật, hoặc cách thưa trình với các đấng cai quản (theo quy ước của người làm then) nhưng nội dung của lời then đều diễn tả con đường đưa binh mã đi. Có thể tóm tắt hành trình như sau: Trước tiên là mời các sư phụ đã khuất về nhập đoàn quân then, phù trợ cho việc làm lễ diễn ra được suôn sẻ.
Tiếp đến là tiểu lễ dọn đường. Đường sá dọn xong xuôi thì đến việc tẩy uế các lễ vật cho thanh tịnh. Khẩn tàng là đoạn diễn xướng tả lại quá trình đoàn quân then mang lễ vật lên đường phân công nhiệm vụ các phu, quân lính, khiêng lễ vật, người bảo vệ, người làm thuyền bè, người chèo thuyền… Đoạn diễn tả đoàn quân then qua 36 bản mường trời gặp những người lười, người nghiện, người tham lam, người cáu gắt… Những thói hư tật xấu, những điều hay lẽ phải của con người dưới trần gian được cụ thể hóa ở mỗi bản trên mường trời bà then đều phải hoá giải. Điều này thể hiện tính nhân văn của then nghi lễ.
Đến mỗi cửa quan thì lại được dịp nghỉ ngơi. Lên đến cửa cao nhất, sau khi dâng lễ và cầu xin những điều tốt đẹp, đoàn quân then cưỡi mây gió về lại trần gian, kết thúc cuộc hành trình. Trong suốt hành trình, nhịp điệu của then sẽ thay đổi lúc điềm tĩnh, khoan thai, khi dồn dập, lúc vỗ về, khi vào cửa quan thì trang nghiêm, thành kính. Lời then vừa hiện thực, vừa lãng mạn lại có đàn tính và chùm xóc nhạc đệm rất cuốn hút.
Theo lời của các nghệ nhân cao niên, người làm then phải là người có căn số, được tổ tiên của những dòng họ từng có người làm then lựa chọn. Nhiều bà then còn gặp phải những hoàn cảnh ngặt nghèo và họ đã vượt qua với tâm niệm tất cả khó khăn đều là tổ tiên thử thách người được lựa chọn để làm then. Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm TT-VH Bình Liêu, chia sẻ: Bà then làm nghi lễ đồng nghĩa với việc đã được trao một sứ mệnh cao cả là cứu giúp người đời. Khi có người đến cậy nhờ thì lập tức đến nhà thân chủ để hành lễ. Có những lễ then phải làm trọn trong một ngày hoặc trong một đêm. Người làm then phải luôn giữ mình trong sạch, kiêng khem nhiều thứ, không đến gần người hoặc súc vật sinh đẻ, không đến đám tang, không gánh phân chuồng, không bao giờ được phép ăn những thức ăn có liên quan đến thịt trâu, bò, chó mèo.
Người làm then chỉ là vì cái tâm họ lấy công tượng trưng, đôi khi chỉ là miếng thịt, con gà và vài đồng tiền lẻ. Gian nan là vậy, then nghi lễ trong cộng đồng người Tày vẫn khởi sắc. Có lẽ trong cuộc sống còn khó khăn về vật chất thì yếu tố tinh thần là sức mạnh để con người vươn đến những điều tốt đẹp. Với giá trị tinh thần to lớn, hát then đã được vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013 và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại vào năm 2019.