Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho công nhân Vùng mỏ, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nên đã nhiều lần về thăm tỉnh, đặt tên cho tỉnh, nơi duy nhất được Người đồng ý cho đặt tượng khi còn sống. Đáp lại tình cảm đó, lãnh đạo và nhân dân Quảng Ninh qua nhiều thế hệ đã thực hiện nhiều phần việc cụ thể, thiết thực, trong đó có việc xuất bản những cuốn sách để thể hiện lòng tri ân với Người.
Trong quá khứ, đã có nhiều cuốn sách viết về Bác Hồ do Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Xuất bản sớm nhất ở Quảng Ninh có lẽ là cuốn sách “Lòng dân Quảng Ninh với Bác Hồ” do Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Quảng Ninh biên soạn, phát hành năm 1975, sau 6 năm Người đi xa. Cuốn sách là những câu chuyện xúc động về tình cảm của người dân Quảng Ninh hướng về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Cuốn sách “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức xuất bản vào năm 2007, dày 232 trang, chia làm 4 phần. Phần 1 là những bài viết của Bác Hồ về khu mỏ từ năm 1921 đến tháng 8/1945. Đó là sự quan tâm ân cần và sâu sắc của Người với Vùng mỏ trong những bài viết, bài báo, bức thư, báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Bộ Phương Đông, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Phần thứ hai in những thư từ Bác gửi cho thương binh, đồng bào và công nhân Vùng mỏ từ tháng 9/1945 đến tháng 4/1955. Phần thứ ba, từ tháng 5/1955 đến năm 1969, giới thiệu một số bài nói khi Người về thăm Vùng mỏ; một số bài viết của Bác về công nhân mỏ đăng trên báo Nhân Dân; điện khen công nhân, thư khen quân dân bắn rơi máy bay Mỹ. Phần 4 có nội dung là Đảng bộ nhân dân các dân tộc Quảng Ninh với Bác Hồ, lời hứa của Bí thư Nguyễn Thọ Chân thay mặt nhân dân với Bác; Đoàn đại biểu Quảng Ninh ghi sổ tang Nhà nước ngày 9/9/1969, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, thợ mỏ ngành Than và nhân dân quyết tâm thực hiện lời Bác dạy; lòng dân biển đảo hướng về Bác, xây dựng tượng đài Bác ở Cô Tô, tạc tượng Bác giữa vòng vây của địch, v.v..
Cuốn sách “Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước ở Quảng Ninh” do Tỉnh ủy Quảng Ninh biên soạn, NXB Lý luận chính trị phát hành năm 2018, dày 350 trang, ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, 11/6 (1948-2018). Sách trân trọng giới thiệu một số bài viết, bài nói, thư động viên, thiệp chúc mừng, điện khen của Bác Hồ về phong trào thi đua yêu nước của Quảng Ninh; những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước tặng Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh; một số văn bản của tỉnh chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước qua các thời kỳ. Phần phụ lục in một số hình ảnh về phong trào thi đua yêu nước ở Quảng Ninh qua các thời kỳ, danh sách các danh hiệu vinh dự nhà nước của Quảng Ninh. Cuốn sách ra đời nhằm giúp cho độc giả, các thế hệ người dân Quảng Ninh hiểu rõ hơn về sự quan tâm, tình yêu thương mà Hồ Chủ tịch dành cho Quảng Ninh và tự hào về những nỗ lực trong phong trào thi đua yêu nước của quân và dân toàn tỉnh.
Cuốn sách là công trình tỏ lòng biết ơn công lao trời biển của Bác; là sự khắc ghi từng bước hiện thực hóa sinh động lời căn dặn và mong muốn tột cùng của Bác Hồ kính yêu đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh: “Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh”. Trước những vận hội mới và những khó khăn, thách thức phía trước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh tiếp tục đoàn kết và sáng tạo hơn nữa trong các phong trào thi đua; quyết tâm đổi mới và hội nhập. Lời dạy của Bác Hồ là tài sản vô giá, trường tồn theo năm tháng, là hành trang để mỗi con người Quảng Ninh đã, đang và mãi mãi khắc ghi, học tập và làm theo.
Năm 2017, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh phối hợp với TKV tổ chức sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Bác Hồ với công nhân mỏ”. Sách do nhóm tác giả Nguyễn Quang Vinh, Vũ Thảo Ngọc, Phạm Học thực hiện, NXB Lao động ấn hành.
Sách dày 180 trang, kích thước 13x19cm, nội dung gồm 3 phần. Phần I là những chỉ thị, lời kêu gọi, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Than và công nhân mỏ. Phần II gồm những bài báo tư liệu qua các nhân chứng đã đăng trên các báo từ năm 1959 đến nay. Phần III là những tư liệu hình ảnh Bác Hồ về thăm Vùng mỏ. Qua những trang tư liệu quý này đã giới thiệu đến bạn đọc những tình cảm của Bác Hồ đối với người thợ mỏ. Tuy không đến được tất cả các công trường, hầm lò ở Vùng mỏ, nhưng Bác luôn quan tâm phong trào thi đua sản xuất của ngành Than nói chung. Trong bài phát biểu của Bác Hồ ngày ấy có những câu chỉ nghe hoặc đọc một lần, cả đội ngũ công nhân, cán bộ ngành Than cũng như công nhân lao động Quảng Ninh hết thế hệ này đến thế hệ khác đều thấy thấm thía và không bao giờ quên. Bởi đó là lời dạy bảo ân cần, là sự khích lệ, động viên và tình cảm bao la của Bác dành cho chúng ta hôm qua, hôm nay và mai sau.
Năm 2019, nhân kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2/9 và 50 năm ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy ra mắt sách ảnh “Những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức sưu tầm, biên soạn những bức ảnh ghi lại hoạt động và tư liệu, hiện vật, di tích về Bác trong những lần về thăm Quảng Ninh, được NXB Thông tấn ấn hành.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần. Phần I “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh” với 92 bức ảnh lần lượt giới thiệu những lần Bác về Quảng Ninh gắn với những sự kiện quan trọng, khích lệ động viên nhân dân đoàn kết, thi đua lao động sản xuất… Phần II giới thiệu về những hiện vật, tư liệu, di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh. Phần III với chủ đề “In dấu chân Người”, giới thiệu về những vùng đất tại Quảng Ninh nơi Bác từng đến và sự đổi thay của tỉnh như lời dạy của Bác “Xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác, tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp”.
Trong quá trình triển khai, Trung tâm Truyền thông tỉnh nhận được gần 200 bức ảnh về Bác từ Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Hải quân, Kho Tư liệu của TTXVN, các chuyên gia, học giả và các ảnh, tư liệu do nhân dân trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh cung cấp. Trong đó có nhiều bức ảnh, tư liệu quý giá lần đầu tiên được công bố.
Sách ảnh dày 120 trang, chứa đựng tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đối với Bác, làm nổi bật sự quan tâm, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Quảng Ninh, sự tự hào của Quảng Ninh được Bác Hồ nhiều lần về thăm. Chỉ một cuốn sách ảnh về Bác nhưng chừng ấy là quá đủ để nói lên tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu dành cho Quảng Ninh cũng như tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh với Bác. Đó là trách nhiệm lớn lao nhưng đồng thời cũng là niềm tự hào của Trung tâm Truyền thông tỉnh khi thực hiện cuốn sách ảnh về Bác Hồ với Quảng Ninh.
Thể hiện lòng kính yêu, ngưỡng vọng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh TP Hạ Long xuất bản 2 tập thơ viết về Bác Hồ. Hai tập thơ đều sưu tầm các bài thơ của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh viết về Bác Hồ. Tập đầu tiên là “Bài ca dâng Bác” gồm 170 bài của 120 tác giả, do NXB Văn học ấn hành năm 2010 nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác. Tập thứ hai có tên “Bài ca theo chân Bác”, hơn 400 trang in, khổ lớn, được NXB Thanh niên ấn hành năm 2020, tập hợp gần 400 bài thơ của các tác giả Quảng Ninh viết về Bác Hồ trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Một số cá nhân trong tỉnh cũng có sách viết về Bác Hồ. Nhà thơ Lê Duy Thái, nguyên Phó Giám đốc Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ (hiện cư trú ở TX Quảng Yên), có 3 tập thơ viết riêng về Bác Hồ là: “Hương sen”, “Quảng Ninh thương nhớ Bác Hồ” đều do NXB Hải Phòng ấn hành; “Mùa sen nhớ Bác” dày 96 trang, in 60 bài thơ, do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý II/2023. Tác giả Nguyễn Quang Vinh với tập thơ “Bác là Hồ Chí Minh” do NXB Thanh niên cấp phép xuất bản năm 2021, chọn hơn 40 bài thơ tác giả viết trong nhiều thời gian khác nhau, như là mong muốn được bày tỏ tình cảm của một cựu chiến binh suốt đời đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác, dâng lên Bác những vần thơ viết từ trái tim.
Một người tuy không phải là cây bút viết văn chuyên nghiệp, nhưng có sách in riêng là ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, với cuốn hồi ký “Những lần gặp Bác”, ghi lại những kỷ niệm, những lời dạy bảo ân cần của Bác Hồ khi Người về Quảng Ninh cũng như khi tác giả lên Hà Nội gặp Bác.
Những cuốn sách về Bác Hồ đã góp phần bồi đắp nền tảng đạo đức cho xã hội, xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới. Thông qua đó, các công trình đã giới thiệu và nhân rộng nhiều điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Quảng Ninh.