Ba Chẽ là huyện miền núi với phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Để cải thiện đời sống cho người dân, huyện đã tập trung triển khai hiệu quả nhiều mô hình kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Được sự hỗ trợ của huyện và xã, năm 2016, anh Triệu Kim Vày, thôn Nà Làng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) đã bắt tay thực hiện nuôi dúi, gia đình anh cũng đã đăng ký các thủ tục với cơ quan chức năng để nuôi loài động vật hoang dã này theo quy định của pháp luật. Để thực hiện mô hình hiệu quả, anh Vày dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo, internet về cách chăm sóc.
Đến nay, gia đình anh đã có 3 trang trại nuôi dúi giống và thương phẩm, duy trì số lượng thường xuyên trên 400 con để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài huyện. Không dừng lại ở đó, đầu năm nay, anh Vày đã đứng ra thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất chăn nuôi dúi với 5 thành viên tham gia. Trong đó, anh chủ động cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc và lo đầu ra cho sản phẩm của các hộ liên kết.
Anh Triệu Kim Vày cho biết: Con dúi có sức đề kháng tốt, thức ăn chủ yếu là tre, nứa…, đầu ra ổn định. Với giá bán 600.000 đồng/kg, trang trại nuôi dúi này mỗi năm cho gia đình tôi thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Thời gian tới, tôi đang tiếp tục nhập thêm một số giống dúi mới về nuôi thử nghiệm để mở rộng mô hình.
Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai thử nghiệm 4 mô hình mới gồm: Trồng thử nghiệm giống lúa mới J02; chăn nuôi bò lai sinh sản, thương phẩm theo hướng liên kết sản xuất, nuôi dúi sinh sản; nuôi thương phẩm theo hướng liên kết sản xuất; xây dựng thương hiệu gà đồi dược liệu Ba Chẽ. Đồng thời, vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, cây dược liệu.
Huyện cũng tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh củng cố tổ chức, phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương tham gia chương trình OCOP theo hướng mở rộng quy mô sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Xác định nguồn vốn là đòn bẩy quan trọng phát triển sản xuất, huyện đã chỉ đạo phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ phối hợp với tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác tuyên truyền về chủ trương tín dụng chính sách xã hội đến rà soát, xác nhận đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn.
Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt 331,7 tỷ đồng với 3851 lượt khách hàng. Đáng chú ý, chất lượng tín dụng trên địa bàn được duy trì với tỷ lệ nợ xấu 0%.
Bà Triệu Thị Hương, thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, cho biết: Gia đình tôi vay vốn từ nhiều chương trình của phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ. Từ nguồn vốn vay, tôi đầu tư trồng rừng, cây dược liệu, cây bản địa. Đến nay, gia đình tôi có 10ha rừng gồm keo, giổi, quế, trà hoa vàng… Với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là trợ lực cho chúng tôi phát triển kinh tế vườn rừng.
Nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện Ba Chẽ không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn cho người dân phát triển kinh tế, cho vay giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Bằng các giải pháp đồng bộ, đến nay thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện đạt 66 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,27%, hộ cận nghèo còn 0,89%, qua đó, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.