Trong thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Huyện Ba Chẽ có tổng số 7 di tích, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh, 3 di tích đã kiểm kê phân loại (chưa được xếp hạng). Huyện đã quy hoạch, tôn tạo các di tích như: Di tích đình Đồng Chức (xã Lương Mông), Di tích lịch sử đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm), di tích lịch sử Miếu Ông – Miếu Bà (xã Nam Sơn), di tích Khu căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của tỉnh Hải Ninh tại xã Lương Mông và xã Minh Cầm. Huyện từng bước huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo Cụm di tích lịch sử Miếu Ông – Miếu Bà, chùa Trúc Lâm bảo quốc Ba Chẽ, Nhà văn hóa các dân tộc xã Lương Mông, Nhà văn hóa dân tộc Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, trở thành các điểm du lịch quan trọng.
Công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc có nhiều đổi mới. Ba Chẽ là địa phương đầu tiên trong tỉnh xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt một đề án bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao gắn với phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Đề án được thực hiện tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Thực hiện đề án nói trên, huyện đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng một số hạng mục: Miếu thờ Bàn Vương (miếu thờ ông tổ của người Dao), Nhà sinh hoạt cộng đồng người Dao và trưng bày các tổ hợp ảnh với các đặc trưng về lao động sản xuất, phong tục, lễ hội, trang phục…, tổ hợp tượng tái hiện lại nghi lễ cấp sắc, tổ hợp tượng tái hiện bếp truyền thống.
Ba Chẽ đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lễ hội mang bản sắc riêng có như: Lễ hội Trà hoa vàng, Lễ hội đình Đồng Chức, Lễ hội đình Làng Dạ, Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà, Lễ hội Bàn Vương, Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay (xã Thanh Sơn), Ngày hội Văn hóa dân tộc Tày, Chợ phiên văn hóa vùng cao xã Lương Mông… nhằm quảng bá hình ảnh Ba Chẽ gắn với nét văn hóa đặc trưng đến với đông đảo nhân dân và du khách. Đặc biệt, Lễ hội Bàn Vương và chương trình giao lưu dân ca, dân vũ được tổ chức thường niên trong những năm gần đây đã trở thành sự kiện văn hóa lớn, thu hút được đông đảo sự tham gia của các nhánh Dao, ngành Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc và nhiều dòng họ, làng bản có người Dao trên địa bàn tỉnh về tham dự, đã tạo nên một hình ảnh nổi bật sắc màu.
Trong không gian các lễ hội, còn duy trì các diễn xướng dân gian, phong tục tập quán, tri thức dân gian, các nghi thức mang đậm bản sắc như: Nghi thức cầu mùa, cuốc hố, tra hạt, lễ cưới, cấp sắc và phục dựng lại các điệu múa, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát sình ca của người Cao Lan… Nhìn chung, các lễ hội đều được tổ chức tôn nghiêm, trang trọng, thiết thực, đổi mới, phong phú, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được duy trì trong việc cưới, việc tang và lễ hội được tổ chức tiết kiệm, văn minh, phù hợp với đời sống đương đại. Một số lễ hội đã thu hút và tạo được ấn tượng tốt đẹp cho du khách, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất.
Không chỉ bảo tồn các lễ hội, Ba Chẽ đã mở 12 lớp truyền dạy văn hoá phi vật thể cho 320 người tham gia về hát dân ca, dân vũ, thêu hoa văn của dân tộc Dao, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ và hát then đàn tính của dân tộc Tày… Đồng thời, thành lập được 3 Câu lạc bộ hát soóng cọ, 2 Câu lạc bộ hát đối của dân tộc Dao, 1 Câu lạc bộ hát then và 2 Câu lạc bộ thêu thổ cẩm của dân tộc Dao với 230 người tham gia sinh hoạt và tập luyện. Các hoạt động giao lưu hát then, đàn tính, hát pả dung (hát đối), soóng cọ, múa ka đong của cộng đồng dân tộc Dao, thi các môn thể thao dân tộc (đẩy gậy, đánh gụ, đi cà kheo) được duy trì thường xuyên. Đặc biệt, một số nghi lễ đặc trưng của người Dao như: Nhảy lửa, múa rùa, các bài dân ca cổ, dân vũ đang từng bước được phục dựng. Huyện đã lập hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho 4 người.
Các cấp, các ngành và các địa phương trong huyện đều có nhiều nỗ lực bảo tồn và giữ gìn các nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Phòng GD&ĐT huyện duy trì tổ chức cho các em học sinh mặc trang phục dân tộc vào buổi chào cờ thứ 2 hằng tuần và các ngày lễ lớn, lễ kỷ niệm; trình diễn trang phục dân tộc. Trong dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18/11, các địa phương đều triển khai thực hiện các hoạt động hát then, đàn tính, thi đan quạt từ lá cọ, thi các môn thể thao dân tộc và hát dân ca.
Dù còn đứng trước nhiều khó khăn nhưng huyện Ba Chẽ đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển KT-XH. Những kết quả này rất đáng khích lệ và sẽ tiếp tục được Ba Chẽ phát huy trong những năm tới đây.