Giai đoạn 2020-2025, Ba Chẽ phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và dược liệu của tỉnh. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đang ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi, nhân rộng các mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Huyện Ba Chẽ có hơn 90% diện tích tự nhiên là rừng và đất rừng, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho phát triển trồng rừng và các loại dược liệu quý dưới tán rừng. Tận dụng lợi thế đó, huyện đã tập trung phát triển diện tích rừng gỗ lớn, giống cây bản địa; đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn, sang trồng rừng gỗ lớn.
Công tác trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, cây dược liệu được Ba Chẽ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, được các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh rừng trồng trên địa bàn huyện thống nhất về ý chí và hành động, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị. Ba Chẽ đã xây dựng Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu đến năm 2025 hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn quy mô 5.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu.
Năm 2020, Huyện ủy Ba Chẽ ban hành Chỉ thị số 02-CT/HU về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn huyện; giao chỉ tiêu trồng và chăm sóc rừng cụ thể đến các xã, thị trấn và các chủ rừng trên địa bàn. Theo đó, cơ quan chuyên môn của huyện đã phát hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, trồng cây dược liệu theo quy trình kỹ thuật của Sở NN&PTNT. Tháng 12/2021, huyện thành lập HTX Lâm nghiệp bền vững Ba Chẽ; trung bình mỗi năm HTX sản xuất khoảng 4 triệu cây giống gỗ lớn đáp ứng nhu cầu cây giống cho các hộ dân và chủ rừng.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ Vi Thanh Vinh, chương trình trồng rừng gỗ lớn, thay thế trồng cây keo ngắn ngày là hướng đi bền vững, vừa làm giàu cho người dân, vừa bảo vệ đất, rừng và hệ sinh thái. Để tháo gỡ những khó khăn cho người dân, huyện đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vay vốn lãi suất thấp, đề xuất phương án trồng cây dược liệu quý của địa phương dưới tán rừng gỗ lớn để người trồng rừng có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Nhờ chính sách khuyến khích của chính quyền, diện tích trồng rừng hàng năm tăng nhanh về số lượng. Năm 2022, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn Ba Chẽ đạt hơn 1.400ha. Trong đó diện tích trồng rừng gỗ lớn là 520ha (chủ yếu là lim, lát, giổi); diện tích trồng cây bản địa (quế, thông) là hơn 900ha. Các mô hình trồng rừng sản xuất đa số phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm chủ động nguồn giống cây trồng, huyện đã phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp, chủ vườn ươm đảm bảo cung ứng giống cây chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trồng rừng tập trung và trồng rừng gỗ lớn của người dân. Đồng thời để tận dụng triệt để tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng, huyện từng bước nhân rộng mô hình trồng ba kích dưới tán cây gỗ lớn; từ đó nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, giảm sức ép vào tài nguyên rừng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Khiếu Anh Tú cho biết: Thời gian tới huyện tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa kết hợp với các loài cây chủ lực phát triển kinh tế rừng trên cơ sở sử dụng hợp lý, hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp và sát, đúng với quy hoạch vùng rừng trồng gỗ lớn của huyện và tỉnh, đảm bảo năng suất, chất lượng cao. Chú trọng phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng gỗ lớn; coi trọng công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCR.
Năm 2023, huyện Ba Chẽ đề ra mục tiêu trồng trên 940ha rừng gỗ lớn và cây bản địa. Trong đó, diện tích lim, lát, giổi là 420ha, các loài cây bản địa quế, thông, sa mộc là 520ha, cây dược liệu trà hoa vàng, ba kích, cát sâm là 120ha.