Được tự do viết câu ngôn từ châm biếm, thậm chí đả kích người khác là một phần trong văn hóa rap. Nhưng riêng thị trường nhạc Việt, các rapper không thể đi quá giới hạn.
B Ray phải gỡ sản phẩm Để ai cần sau khi bị tố viết lời thô tục. Một lần nữa, giới rap Việt dậy sóng và xuất hiện những tranh cãi xoay quanh chuyện rapper bị “tuýt còi” vì vượt quá giới hạn. Trước B Ray, Chị Cả, Chí là những rapper từng bị cộng đồng mạng lên án gay gắt vì cách viết lời rap.
Sự phóng khoáng trong lyrics (lời rap) là một trong những điểm nhấn của rap so với các dòng nhạc khác. Ở những thị trường âm nhạc hàng đầu, đặc biệt là Âu – Mỹ, giới rapper gần như không có giới hạn khi viết lời. Trong khi đó, với riêng thị trường Việt Nam, số đông khán giả vẫn chưa chấp nhận những bản rap có lời thô tục, đả kích hoặc châm biếm quá mức.
Từ sự cố của B Ray, một bộ phận yêu rap phản đối, gọi đó là văn hóa không thể chối bỏ. Trong khi đó, số đông khán giả đại chúng chỉ trích kịch liệt B Ray và đẩy rapper này vào đường khó.
Ranh giới giữa underground và mainstream rap
Với giới rap, các khán giả thường tách biệt “vùng” của những rapper underground (thế giới ngầm) và mainstream (thị trường âm nhạc đại chúng). 10 năm trước, lằn ranh giữa underground và mainstream thể hiện rõ trong thế giới rap. Gần đây, cụ thể là khi game show Rap Việt xuất hiện, giúp rap nổi nhanh, sự tách biệt giữa underground và mainstream không còn rõ.
B Ray là rapper từng khẳng định bản thân ở underground trước khi nổi tiếng. Từ bước ngoặt ngồi ghế HLV ở Rap Việt mùa 3, B Ray giờ thật sự là ngôi sao của rap Việt. Và điều đặc biệt mà B Ray có là tỏa sáng ở mainstream, nhưng vẫn còn giữ nhiều phẩm chất rất riêng của một rapper underground.
B Ray nổi lên từ những trận beef (công kích giữa các rapper). Khi chưa nổi tiếng, các sản phẩm mang tính công kích của B Ray có sự hằn học, sâu cay và không thiếu những từ ngữ thô tục. Hơn 5 năm trước, B Ray thoải mái “oanh tạc” vì tên tuổi của anh vẫn khoanh vùng rõ, chưa lên hẳn mainstream. Cho đến Để ai cần, B Ray tạo ra một sản phẩm như thể anh vẫn là B Ray, với danh xưng “Báo” của thế giới underground. Song, B Ray giờ lại là rapper của mainstream, có sức ảnh hưởng, được đông đảo khán giả chú ý, do đó vướng sự cố là điều hiển nhiên.
Yếu tố thuần phong mỹ tục, sự chuẩn mực trong sử dụng câu từ của thị trường âm nhạc không cho phép các rapper thích chơi “ngông”. Một loạt sự cố của giới rap trong 3 năm qua chứng minh bất kỳ rapper nào cũng có thể bị réo tên, dù nổi tiếng tới đâu. Rhymastic từng lên sóng VTV sau bản rap “diss” đồng nghiệp Torai9. Rapper Chị Cả bị xử phạt vì sáng tác bản rap dung tục. Chí và Low G bị tố xúc phạm Phật giáo, phải đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xin lỗi.
Giới rapper giờ phải lựa chọn giữa sáng tác theo bản năng, văn hóa của rap, hay hòa nhập theo chuẩn mực riêng của thị trường âm nhạc Việt. Đa phần rapper Việt đều chọn phương án thứ 2 để phát triển sự nghiệp.
Đen Vâu, Binz, Karik, Wowy… từ những rapper gai góc, nay tập trung hoàn toàn để làm sản phẩm “sạch”, hợp thị trường. Một loạt thí sinh của Rap Việt như Ricky Star, Blacka, Pjpo từng là những rapper rất underground. Nhưng trên sân khấu Rap Việt, sản phẩm của tất cả thí sinh chỉ có lời hay, ý đẹp.
Một rapper chia sẻ với Tiền Phong về câu chuyện đánh đổi khi theo đuổi rap tại thị trường Việt Nam: “Theo tôi, rap chỉ mới là hiện tượng tại thị trường Việt Nam và chưa định hình chỗ đứng vững chắc. Game show Rap Việt có công lớn nhất đưa rap phát triển nhanh như hiện tại. Ở Rap Việt nơi là toàn bộ sản phẩm gửi đến khán giả đều sạch sẽ, có giá trị, thông điệp. Do vậy, khán giả đại chúng, nhất là những người mới tiếp cận rap sẽ xem rap phải như ở Rap Việt và họ không chấp nhận những sản phẩm thô cằn, gai góc”.
B Ray đuối lý?
Song song làn sóng chỉ trích hướng về B Ray, vẫn có những khán giả bảo vệ HLV Rap Việt. Cụ thể, những khán giả này cho rằng bản chất của rap vẫn là sự phóng khoáng, nếu quá thắt chặt phần lời, sản phẩm rap không còn là rap nữa. Một ý kiến khác cho rằng, theo như chia sẻ từ phía B Ray, đây không phải sản phẩm âm nhạc chính thức.
Để ai cần lần đầu xuất hiện trong show gần đây của B Ray. Bên cạnh nền tảng YouTube, sản phẩm mới của HLV Rap Việt phát hành đầy đủ trên các nền tảng DSP (nhạc số), như Zing Mp3, Nhaccuatui, Spotify… Đến nay, khi bản Để ai cần trên YouTube bị gỡ, sản phẩm vẫn hiện diện trên Spotify và nhiều nền tảng nghe nhạc trực tuyến khác. Riêng Spotify, ca khúc mới của B Ray và Young H hút hơn 120.000 lượt streams, là thành tích ấn tượng.
Sự xuất hiện của Để ai cần không đơn giản chỉ là phút ngẫu hứng. Nó đã tiếp cận đông đảo người nghe thông qua nhiều nền tảng. Điểm cộng của B Ray và ê-kíp là sự chủ động đối phó với sự cố, ra quyết định gỡ ca khúc trước khi có kết luận từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Còn không, sự cố lần này của B Ray sẽ đi rất xa.
B Ray vướng rắc rối trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Sau nhiều năm lặn lội ở showbiz Việt, nam rapper từng bước xây dựng chỗ đứng, chiếm được thiện cảm của nhiều khán giả. Tại Rap Việt, B Ray tỏa sáng, “mát tay” trong vai trò dẫn dắt thế hệ rapper trẻ và cải thiện mạnh mẽ hiệu ứng trên mạng xã hội. Hào quang của B Ray giúp anh “đánh đâu thắng đó” khi tung sản phẩm mới, nhưng tiếc là Để ai cần lại xuất hiện ngay lúc này.
Cùng B Ray tạo nên ca khúc Để ai cần có Young H – một rapper gạo cội của giới rap Việt. Khác B Ray, Young H không hoạt động ở thị trường âm nhạc đại chúng Việt Nam. Mọi chỉ trích đều chỉ hướng về B Ray.