Theo phóng viên TTXVN tại London, báo cáo Triển vọng thường niên năm 2024 của tổ chức tư vấn chính sách Asia House (Anh) nhận định nền kinh tế Việt Nam có khả năng tiếp tục phát triển vượt trội so với các nước láng giềng trong khu vực vào năm 2024, các ngành sản xuất và xuất khẩu thu hút đáng kể đầu tư nước ngoài nhờ độ mở và các điểm mạnh cơ bản của nền kinh tế.
Báo cáo Triển vọng thường niên năm 2024 được Asia House công bố ngày 23/1, đánh giá triển vọng của 8 nền kinh tế chủ chốt ở châu Á – gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Báo cáo cho rằng Việt Nam và Philippines sẽ là hai quốc gia đạt thành tích nổi bật trong năm nay.
Theo báo cáo, trong 10 tháng đầu năm 2023, vốn thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đạt khoảng 18 tỷ USD, tương đương 73% tổng số vốn FDI đăng ký trong cùng kỳ, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Báo cáo đánh giá Việt Nam có môi trường khởi nghiệp công nghệ phát triển mạnh và đầu tư công đáng kể vào trí tuệ nhân tạo (AI) với Chương trình chuyển đổi số nhằm đưa các công ty công nghệ trong nước trở thành những công ty toàn cầu. Trung tâm Đổi mới quốc gia hỗ trợ những đột phá công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trong khi ngành ngân hàng tích cực trong thử nghiệm và ứng dụng AI, như VPBank ứng dụng AI trong các giao dịch tiền tệ, tín dụng cá nhân và ngân hàng số, hay Vietcombank hợp tác với FTP Smart Cloud để phát triển nền tảng chatbot tương tác với khách hàng mang tên VCB Digibot.
Việt Nam cũng là nước đi đầu trong các dự án blockchain (chuỗi khối) với hơn 200 dự án blockchain đang hoạt động, đồng thời triển khai công nghệ blockchain trong một số lĩnh vực như bảo lãnh tín dụng trong thương mại và tài chính chuỗi cung ứng. Báo cáo nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng công nghệ blockchain để nâng cao hiệu quả của ngành logistics, đặc biệt tập trung vào các công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo cho thấy các doanh nghiệp trong nước sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh toàn cầu, sẽ mở rộng quy mô tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực và thị trường lao động mạnh của Việt Nam (69% dân số trong độ tuổi lao động) sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng này.
Báo cáo cũng dự báo trong năm 2024, Al sẽ định hình lại nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam và thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất. Bằng cách hợp tác với các tổ chức giáo dục và tích cực tham gia vào việc phát triển cơ sở hạ tầng Al, đầu tư nước ngoài có thể tạo ra sự lan tỏa kinh tế tích cực.
Báo cáo chỉ ra rằng là nước sản xuất nông nghiệp lớn, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc đầu tư hiệu quả vào nông nghiệp, sử dụng công nghệ AI để giám sát và phân tích, nhằm tối ưu hóa năng suất và việc sử dụng phân bón. AI cũng có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về điều kiện đất đai, thời tiết, tăng trưởng cây trồng và sử dụng nước, trong khi cảm biến và máy bay không người lái cũng có thể cung cấp dữ liệu quan trọng, giúp đưa ra các quyết định về gieo hạt, bón phân, quản lý sâu bệnh và các quy trình nông học khác.
Các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ là yếu tố then chốt trong năm 2024 và những năm tiếp theo ở Việt Nam. Việc tiếp tục thúc đẩy và mở rộng các ưu đãi nhằm thu hút và phân bổ nguồn tài chính xanh – với sự tham gia của các tổ chức tài chính trong nước – sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và giúp xây dựng khả năng phục hồi trước các cú sốc khí hậu.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh với số tiền thu được dùng để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Đây là đợt phát hành trái phiếu xanh trong nước đầu tiên trên thị trường vốn Việt Nam được Moody”s chấm điểm. Báo cáo nhận định những nỗ lực nhằm mở rộng quy mô phát hành trái phiếu xanh sẽ tạo ra lộ trình phát hành nhiều hơn và giúp phát triển hệ sinh thái xanh sâu và rộng hơn.
Theo báo cáo, các sáng kiến tài chính xanh hỗn hợp của Việt Nam – như khoản vay tài chính hỗn hợp từ Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ năng lượng gió – đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ Việt Nam thích ứng với rủi ro khí hậu và hỗ trợ năng lượng tái tạo. Giống như các nền kinh tế Đông Nam Á láng giềng, các cơ chế tài chính khí hậu cần được điều chỉnh để giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy chia sẻ rủi ro, đặc biệt khi cung cấp nguồn tài chính bền vững cho các hộ nông dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Đánh giá về triển vọng kinh tế châu Á trong năm 2024, báo cáo nhận định trong bối cảnh những bất ổn địa chính trị, xung đột và biến đổi khí hậu, các nền kinh tế châu Á sẽ là động lực tăng trưởng toàn cầu trong năm nay nhờ tăng trưởng thương mại khu vực và những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số và tài chính xanh. Trong khi thế giới chật vật với mức tăng trưởng khiêm tốn, thương mại yếu và niềm tin doanh nghiệp và dùng giảm, châu Á sẽ một lần nữa đi ngược lại xu hướng toàn cầu với tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 5%.
Ông Michael Lawrence – Giám đốc điều hành Asia House cho biết trọng tâm kinh tế đã chuyển sang châu Á trong vài năm nay, song tăng trưởng sẽ tăng tốc vào năm 2024 với năng suất và thương mại khu vực tăng. Một số quốc gia được đánh giá trong báo cáo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng vượt mức 6%, dễ dàng vượt hầu hết các nền kinh tế phát triển. Ông nhận định châu Á có đủ khả năng để vượt qua mọi khó khăn và tăng trưởng mạnh mẽ, mặc dù 2024 sẽ là một năm đầy biến động về địa chính trị và môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu.