Theo đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ASEAN cần phát triển theo hướng không hy sinh sự công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 (HNCC ASEAN 43) và hoạt động liên quan tại thủ đô Jakarta của Indonesia, chiều 4/9 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) năm 2023.
ASEAN BIS là diễn đàn liên quan đến doanh nghiệp thường niên lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN, với sự tham dự của nguyên thủ các nước ASEAN, các nước đối tác, các bộ trưởng, quan chức cấp cao, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp lớn của ASEAN và thế giới.
Với chủ đề: “ASEAN trong vai trò trung tâm: Sáng tạo để bao trùm hơn,” ASEAN BIS 2023 tập trung thảo luận về 5 chủ đề chính bao gồm: chuyển đổi số và phát triển bền vững; an ninh lương thực; y tế sức khỏe, y tế đảm bảo hoạt động doanh nghiệp và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng cục diện thế giới đa cực là một xu thế tất yếu, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng phân mảnh, tập hợp lực lượng ngày càng rõ nét.
ASEAN đứng trước sứ mệnh phải khẳng định “là một cực trong thế giới đa cực,” là trung tâm trong hợp tác cũng như cấu trúc ở khu vực, và ASEAN hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận được sứ mệnh đó.
Chứng minh cho nhận định của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích rõ, ASEAN có không gian kinh tế rộng mở với mạng lưới 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và 7 FTA với các đối tác quan trọng, trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tạo nên một khu vực thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới (với trên 688 triệu người) và 32% GDP toàn cầu (quy mô trên 3.600 tỷ USD năm 2022).
Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến mới cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ để ASEAN kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội từ những xu thế phát triển mới như xây dựng Hiệp định Khung Kinh tế Số ASEAN, Khung Kinh tế Tuần hoàn, Khung Kinh tế Biển xanh, Chiến lược Trung hòa carbon…; đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại và Hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ASEAN độc lập và tự cường, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt 5,6%.
Dự báo, tăng trưởng của ASEAN năm 2023 đạt 4,5%, cao hơn so với dự báo tốc độ tăng trưởng của nhóm các nước phát triển; thương mại nội khối đạt trên 856 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN; đầu tư nội khối đạt gần 27 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng FDI của cả khu vực.
ASEAN ứng phó hiệu quả với các thách thức về an ninh năng lượng, an ninh lương thực; vững vàng vượt qua đại dịch COVID-19…
ASEAN đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực thông qua quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài. Thông qua các cơ chế như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)… các nước ASEAN đã tạo dựng và duy trì cân bằng, linh hoạt quan hệ với các đối tác bên ngoài của ASEAN.
Các nước đều ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và chấp nhận các nguyên tắc, chuẩn mực chung của ASEAN; đã có 43 quốc gia tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).
Để ASEAN tiếp tục phát huy vai trò và vị thế cũng như tận dụng và nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ASEAN cần củng cố và tăng cường đoàn kết nội khối; giữ vững nguyên tắc, lập trường, quan điểm chung của ASEAN; giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.
ASEAN cũng cần duy trì cam kết lâu dài về mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư; luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, ý tưởng sáng tạo và tài năng; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu; tăng cường hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới, nhất là các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Theo đề xuất của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ASEAN cần phát triển theo hướng không hy sinh sự công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; kiên định cách tiếp cận toàn dân trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển.
Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá mới cho ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chính phủ và doanh nghiệp các nước cần hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và thực chất.
Trong đó, các nước cần cùng nhau hoàn thiện thể chế thông qua chuẩn hóa và hài hòa hóa các quy định đầu tư, kinh doanh trong ASEAN, đơn giản hóa các thủ tục bằng chuyển đổi số; khuyến khích và coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mới phát sinh.
Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm cả cơ sở hạ tầng cứng về giao thông vận tải, năng lượng và hạ tầng thông minh gồm các nền tảng số, trung tâm đổi mới sáng tạo…
Đặc biệt, chính phủ và doanh nghiệp cần tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giữa các nước, tạo sự kết nối liên thông của cả khu vực, chú trọng mô hình hợp tác công – tư để phát huy sức mạnh, nguồn lực từ nhà nước và doanh nghiệp.
Đồng thời, chính phủ và doanh nghiệp cần cùng nhau xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao với các tiêu chuẩn chung về đào tạo, đánh giá và công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống văn bằng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đây là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực chúng ta.”
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới sáng tạo; có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau; nâng cao năng lực, đạo đức kinh doanh; tuân thủ tốt pháp luật; xây dựng văn hóa kinh doanh, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia; đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, cùng lớn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định là đối tác tin cậy, thành viên tích cực có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Indonesia và các nước khác trong ASEAN để nỗ lực xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự cường và phát triển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư đến với Việt Nam cùng phát triển, với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.”
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng ASEAN nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng sẽ bắt kịp những xu thế mới, ứng phó hiệu quả với các thách thức, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phục hồi tăng trưởng trong ngắn hạn và phát triển bền vững trong dài hạn, tranh thủ tối đa các cơ hội phát triển mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và Cộng đồng ASEAN cũng như chính các doanh nghiệp./.