Áp lực tỉ giá dự báo sẽ giảm bớt trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục duy trì thặng dư thương mại. Dòng tiền từ FDI và kiều hối vào Việt Nam dự báo tiếp tục ổn định. Nhiều thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 được dự báo sẽ giúp tăng nguồn cung ngoại tệ.
Tỉ giá ổn định hỗ trợ tăng trưởng
Dự báo về tỉ giá, TS Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế – nhận định: “Áp lực với tỉ giá hối đoái không còn mạnh. Tôi hy vọng năm 2023 và 2024 tỉ giá duy trì ổn định. Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa lớn nhất thế giới, Ngân hàng Nhà nước rất lo ngại về câu chuyện ổn định tỉ giá”.
Lý giải cho dự báo của mình, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết tỉ giá phụ thuộc vào ba dữ liệu: chỉ số DXY, giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam và cán cân tổng thể xuất nhập khẩu.
Phân tích cụ thể từng yếu tố, chuyên gia này dự báo chỉ số USD index sẽ không tăng. Thời gian qua chỉ số USD Index dao động ở mức khoảng 100. Trong xu hướng đa dạng hoá sử dụng nhiều đồng tiền trong thanh toán quốc tế hiện nay thì áp lực tỉ giá giảm bớt.
Yếu tố giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam dự báo có thể tăng nhưng không lớn. Bộ Tài chính vẫn dư địa hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc kiềm chế giá xăng dầu không tăng lên quá mức.
Yếu tố cuối cùng, liệu cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam có bị thâm hụt không? Tháng 7.2023, thặng dư thương mại Việt Nam khá lớn, giúp bổ sung vào cán cân thanh toán quốc tế tích cực. Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ để tăng dự trữ.
“Kinh tế vĩ mô năm 2023 và 2024 dự báo ổn định, đây là điều kiện để thị trường tài sản như thị trường chứng khoán đứng vững và phục hồi nhẹ” – TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Chống lạm phát không chỉ dựa vào chính sách tiền tệ
Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2022, đóng góp chống lạm phát không chỉ có chính sách tiền tệ mà còn có chính sách tài khoá. Lạm phát của Việt Nam nhập khẩu từ bên ngoài, giảm thuế nhập khẩu, đặc biệt xăng dầu góp phần giảm lạm phát chi phí đẩy từ bên ngoài. Ngoài ra chính sách tiền tệ góp phần bằng cách tăng lãi suất và kiềm chế tỉ giá.
“Với sự điều hành quyết liệt của Thủ tướng, chính sách tài khoá giảm VAT, chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi. Lãi suất ở Việt Nam giảm khá nhanh trong phân khúc tiền gửi” – TS Lê Xuân Nghĩa dự báo.
Câu hỏi lúc này là liệu Ngân hàng Nhà nước còn dư địa để hạ lãi suất điều hành nữa không?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng 25 điểm % lần cuối trong năm 2023.
“Như vậy Ngân hàng Nhà nước có thể yên tâm về áp lực tỉ giá. Nhưng tôi tin Ngân hàng Nhà nước đang phân vân kinh tế Việt Nam sẽ đi theo hướng nào. Chỉ số PMI của Việt Nam ở mức khoảng 46 từ đầu năm. Suy giảm kinh tế Việt Nam theo hình chữ U kéo dài từ tháng 11.2022. Liệu đáy chữ U đã đi lên chưa? Tôi cho rằng, đây đang là giai đoạn cuối của đáy. Từ quý IV trở đi, chỉ số PMI của Việt Nam sẽ khá hơn, kinh tế phục hồi nhẹ. Kinh tế Việt Nam có nét đặc thù, phụ thuộc rất lớn vào FDI, có sức hút mạnh hơn so với bình quân toàn thế giới. Khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi vào năm 2024 khá chắc chắn” – TS Lê Xuân Nghĩa dự báo.
Về khả năng hạ lãi suất, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng còn phụ thuộc vào xu hướng lãi suất của Ngân hàng trung ương trên thế giới. Theo đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ dừng tăng lãi suất, Châu Âu cũng sẽ giảm nhiệt tăng lãi suất do lạm phát hạ nhanh hơn dự báo. Cơ hội để NHNN tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp là khá rõ.
“Tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng là chỉ tiêu hành chính. Quan trọng nhất là tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán. Tăng trưởng đó rất thấp so với GDP tính theo giá hiện hành của Việt Nam 7%. Trong khi tăng trưởng tiền chỉ ở mức 3%. Vòng quay tiền chỉ còn khoảng 0,64 vòng/năm. Điều này khiến thanh khoản nền kinh tế suy kiệt. Tiền có trong các ngân hàng thương mại nhưng thanh khoản thị trường suy kiệt. Câu chuyện lạm phát hay tăng trưởng phụ thuộc vào tăng cung tiền chứ không phải tăng tín dụng” – TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.