Sự viral của tiết mục Mẹ yêu con trong Anh trai vượt ngàn chông gai chứng minh: khán giả vẫn luôn có nhu cầu kết nối với quá khứ, khám phá di sản nhạc xưa, chỉ cần tìm đúng hình thức biểu hiện gần gũi với thời đại.
Bắt đầu từ một câu hát ru mà có lẽ bất cứ người Việt nào cũng thuộc nằm lòng do nghệ sĩ Tự Long biểu diễn, rồi từ đó Bằng Kiều dẫn ta vào một nhạc khúc kinh điển của Nguyễn Văn Tý về tình mẹ, lồng với phần rap của các nghệ sĩ thuộc thế hệ sau.
Tiết mục Mẹ yêu con đêm chung kết Anh trai vượt ngàn chông gai ngay lập tức viral.
Anh trai vượt ngàn chông gai có Trống cơm, Mẹ yêu con gây xúc động
Sự viral của tiết mục này một lần nữa chứng minh: khán giả đại chúng vẫn luôn có nhu cầu được kết nối với quá khứ, được khám phá di sản nhạc xưa, chỉ cần tìm đúng hình thức biểu hiện gần gũi với thời đại.
Mấy năm trước, khi Ca sĩ mặt nạ phủ sóng rộng khắp, những tiết mục viral cũng là những tiết mục tìm về âm hưởng nhạc xưa: là Cú Tây Bắc (danh ca Hương Lan) hát Đưa em tìm động hoa vàng của Phạm Duy, là Phượng Hoàng Lửa (Trần Thu Hà) hát Kiếp nào có yêu nhau cũng của Phạm Duy.
Hay trong Anh trai vượt ngàn chông gai, trước Mẹ yêu con, khoảnh khắc được nhắc tới nhiều nhất là tiết mục Trống cơm.
Sự duyên dáng, hài hước mà cũng rất mực trữ tình của Tự Long – một nghệ sĩ xuất thân từ nghệ thuật chèo, hòa quyện cùng tinh thần tươi sáng của Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven trong một bản phối phóng khoáng, vừa giữ được nét bông lơn, lí lắc của bản nhạc dân gian gốc, vừa điểm thêm sự hừng hực, bốc cháy của nhạc đương đại là lý do mà già trẻ lớn bé, ai cũng bị cuốn vào tiết mục này.
Tương tự với liên khúc Áo mùa đông của Đỗ Nhuận và Trở về của Dương Thụ mà Duy Khánh, Thanh Duy, Thiên Minh và Bùi Công Nam biểu diễn từ những số đầu tiên, với phần dàn dựng kết hợp cả nhạc kịch lẫn những thước phim đen trắng và những điệu hò cổ để tạo nên một sân khấu lịch sử nhưng không phải một lịch sử nhuốm màu hoài niệm mà là một lịch sử trong ánh mắt hiện đại, đậm chất pop.
Tiết mục Mẹ yêu con theo đúng “công thức” ấy.
Để ngắm nhìn đỉnh núi kinh điển trong âm nhạc
Vẫn biết những bản thu cũ như của NSND Lê Dung trên nền nhạc đệm piano réo rắt đã trở thành điển phạm, nhưng để chủ động tìm kiếm những bản thu đó, để chủ động đắm chìm vào một không gian nhạc xưa ầu ơ với tiếng hát tâm tình của người thiên cổ cũng giống như bảo tự cuốc bộ lên đỉnh núi vậy.
Làm được, nhưng không phải ai cũng đủ chịu khó mày mò, đủ hứng thú để làm.
Những bản phối mới rực rỡ hơn, gãy gọn hơn, bắt mắt hơn, với tiết tấu dứt khoát hơn, thêm thắt nhiều trang trí về vũ đạo, ý tưởng, trang phục hơn trong các chương trình game show lại giống như hệ thống cáp treo.
Nhờ có chúng, ai cũng có thể “leo” lên ngắm nhìn đỉnh núi kinh điển trong âm nhạc. Và trong số những vị khách đi cáp treo ấy, kiểu gì cũng có những người vì tò mò mà quyết tâm leo lại bằng đường bộ. Thế đã là thành công.
Tất nhiên, người ta còn thích Anh trai vượt ngàn chông gai vì những tiết mục ở đây không chỉ là một nhóm người nổi tiếng ngẫu nhiên được xếp hát chung với nhau.
Người ta còn thích những tiết mục ấy bởi người ta được thấy hậu trường của họ, và tiết mục chỉ là sự kết tụ hành trình của những người đàn ông, là sự thăng hoa của tình bạn, tình anh em bất phân tuổi tác, chuyên môn, lựa chọn nghệ thuật, địa vị cao thấp. Đó, suy cho cùng, cũng là sự kết nối liên thế hệ.
Một giây phút cảm động mà vừa vặn, không sến súa của đêm chung kết là khi nhiếp ảnh gia Thiên Minh mời chú bảo vệ của trường quay lên sân khấu, và anh mở đầu tiết mục Dòng thời gian của đội mình bằng mấy câu trong bài hát Cảm ơn của người bạn quá cố, ca sĩ Wanbi Tuấn Anh.
Nghĩa là sự kết nối quá khứ của Anh trai vượt ngàn chông gai không dừng lại ở sự kết nối với di sản âm nhạc vượt thời gian hay những ký ức tập thể về lịch sử, chiến tranh.
Sự kết nối ấy mở rộng đến cả những ký ức âm nhạc nhỏ hơn, như ký ức về Wanbi Tuấn Anh, một nghệ sĩ trẻ gắn liền với thế hệ cuối 8x đầu 9x cho đến khi mất ở tuổi 26; mở rộng đến cả những ký ức không tên với những cá nhân đảm trách các công việc khiêm nhường.
Với âm nhạc, quá khứ không bao giờ là thứ nằm lại phía sau. Với âm nhạc, người ta chỉ có thể tiến lên khi vẫn luôn quay đầu ngoái trông quá khứ.