Cuối tháng 11 vừa qua, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử”. Hoạt động triển lãm nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đồng thời quảng bá giá trị toàn cầu của Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” đề nghị công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới. Trong suốt những ngày diễn ra, trưng bày đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Trưng bày chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử” gồm hai không gian chính. Không gian thứ nhất trưng bày gần 200 tư liệu hình ảnh, biểu đồ, tài liệu, hiện vật lịch sử quý giá chia làm 2 phần gồm: Phần 1 về tổng quan Hồ sơ đề cử di sản “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” và phần 2 về Di sản thành phần được lựa chọn xây dựng hồ sơ đề cử này.
Trong không gian trưng bày thứ nhất nổi bật với những hiện vật là Bảo vật quốc gia thuộc Văn hóa thời Trần và Phật giáo Yên Tử, như: Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử; tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông; mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Cùng với đó, các tư liệu, hiện vật đã giới thiệu, quảng bá các giá trị đặc trưng của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm 6 Khu di tích Quốc gia đặc biệt tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương; giới thiệu về các tiêu chí lựa chọn xây dựng Hồ sơ đề cử di sản “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc”.
Không gian thứ hai là hoạt động trải nghiệm in, rập mộc bản trên giấy dó. Đây là nét mới thể hiện sự đổi mới trong hoạt động chuyên môn của Bảo tàng Quảng Ninh trong cách thức tiếp cận, tương tác với công chúng và du khách, góp phần phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại, biến di sản thành tài nguyên du lịch.
Chị Hoàng Tố Uyên, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường TH-THCS&THPT Lê Thánh Tông (TP Hạ Long), chia sẻ: Trưng bày chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử” được thiết kế trong không gian trang trọng, từng phần, rất dễ theo dõi. Cùng học sinh tham gia chương trình, tôi thấy rất ý nghĩa, thiết thực. Đây là điểm đến hấp dẫn cho những tiết học ngoại khóa thực tế, giúp các em học sinh có được cái nhìn, sự hiểu biết cụ thể, đầy đủ và sinh động hơn về văn hóa, lịch sử quê hương thay vì chỉ tiếp cận kiến thức từ sách giáo khoa. Đồng thời, những hoạt động trưng bày, triển lãm văn hóa, lịch sử như thế này còn giúp mỗi người dân Quảng Ninh được biết và tự hào về những di sản mà chúng ta đang sở hữu, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Trưng bày chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử” tại Bảo tàng Quảng Ninh diễn ra từ ngày 29/11 đến hết ngày 25/12/2023, tạo cơ hội cho nhân dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu, có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về văn hóa thời Trần nói chung, tư tưởng và các di sản của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nói riêng trong hệ thống các giá trị lịch sử nhà Trần, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Trưng bày chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử” có sự phối hợp chuyên môn giữa Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng tỉnh Hải Dương và giữa các Ban Quản lý Khu di tích danh thắng và rừng quốc gia Yên Tử (Uông Bí), Ban Quản lý Di tích Nhà Trần (Đông Triều) nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, quảng bá giá trị Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đề nghị công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới.
Trong thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các chương trình triển lãm, trưng bày nhằm phát huy sức sống của di sản, gắn di sản với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.