Người Tày ở Ba Chẽ có nhiều phong tục, truyền thống lâu đời và đã tạo ra những nét văn hóa đặc sắc thể hiện trong chính cuộc sống hàng ngày của dân tộc mình như: Hát then, múa dân tộc Tày, đan lát, ẩm thực. Để phát huy những giá trị tốt đẹp đó, trung tuần tháng 10 vừa qua, huyện Ba Chẽ tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Tày lần thứ nhất tại xã Đạp Thanh.
Dân tộc Tày ở Ba Chẽ có 3.636 người, chiếm 15,67% dân số toàn huyện. Người Tày ở Ba Chẽ gồm 2 nhóm: Tày áo nâu và Tày áo đen, hiện sinh sống ở 8 xã, thị trấn, trong đó tập trung đông nhất ở các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh và Thanh Lâm.
Trong những năm qua, dân tộc Tày trên địa bàn huyện luôn đoàn kết, đẩy mạnh lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tích cực bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Tày, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tiên tiến của các dân tộc trên địa bàn, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Ngày hội đã phục dựng múa sư tử mèo, múa lẩu then. Đây là những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày được nuôi dưỡng và phát triển trong dân gian, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người nông dân có nhiều thóc gạo; trâu, bò, gà, vịt đầy nhà; cha, mẹ sống lâu, gia đình hòa thuận, yên vui; con cháu hiếu thảo và trưởng thành… Múa sư tử mèo là diễn xướng dân gian truyền thống chứa đựng nhiều thành tố như: Âm nhạc, múa, võ thuật, có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và nhiều giá trị khác thể hiện một cách sinh động và hấp dẫn về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm, khát vọng của đồng bào.
Sau khi thực hiện các nghi lễ, nghi thức mang đậm bản sắc truyền thống, du khách cùng hòa mình vào không khí vui tươi của ngày hội với nhiều trò chơi dân gian, giao lưu ẩm thực, thể thao dân tộc, biểu diễn các nghề truyền thống và không gian trưng bày các hiện vật văn hóa và nông cụ của đồng bào dân tộc Tày.
Phần hội có nhiều trò chơi dân gian, giao lưu ẩm thực tại các gian hàng, thi đấu các môn thể thao, biểu diễn các nghề truyền thống của cộng đồng dân tộc Tày trên địa bàn huyện như: Đan quạt cọ, đan nón mê, đan lồng, đan mẹt, đan sàng. Đặc biệt du khách còn được tham quan, chiêm ngưỡng mô hình nhà sàn của người Tày, thưởng thức chương trình liên hoan văn nghệ đặc sắc do các nghệ sĩ đến từ Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, các nghệ nhân của Lạng Sơn và các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện biểu diễn.
Một trong các nét văn hóa đặc sắc của Ngày hội lần này là nội dung giao lưu, trình diễn gói bánh giầy, bánh tày, bánh vắt vai và bánh coóc mò; đây là 2 loại bánh rất đặc trưng của dân tộc Tày. Bánh giầy, tiếng Tày gọi là “péng chầy”, người Tày áo đen làm bánh giầy vào tháng 11 âm lịch, người Tày áo nâu (tày bồ) làm vào ngày 10/10 âm lịch hàng năm từ gạo nếp nương đã được nấu chín, sau đó đem vào cối giã. Bánh coóc mò, tiếng Tày gọi là “péng cốc mò” có hình dáng trông như sừng con bò, nên còn được gọi là bánh sừng bò.
Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Chẽ, cho biết: Qua Ngày hội này, chúng tôi muốn phục dựng, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn huyện Ba Chẽ, kết hợp với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, các di tích lịch sử và sự độc đáo về văn hoá của các dân tộc trên địa bàn tới du khách gần xa, tạo sản phẩm du lịch mới trên địa bàn huyện Ba Chẽ.
Đây cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu và hội tụ những nét đẹp văn hoá của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân các dân tộc quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và quyết tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội các cấp.
Ngày hội khép lại trong niềm lưu luyến, lắng đọng nhiều cảm xúc. Nhiều nét đẹp trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, bản sắc dân tộc Tày được khôi phục, phục dựng. Việc tổ chức thành công Ngày hội không chỉ là nơi hội tụ sắc màu văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Tày nói riêng, các dân tộc nói chung, mà thông qua đó nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của bà con đã được khôi phục và phát huy giá trị ngay trong cuộc sống hàng ngày. Qua đó, đồng bào Tày ngày càng biết trân trọng, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.