Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, làm ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Để phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân tăng cường phòng, chống dịch bệnh, trong đó chú trọng nguồn giống chất lượng và các biện pháp an toàn sinh học.
Tỉnh Quảng Ninh có hơn 6.100km² mặt biển phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Năm 2023, tổng diện tích nuôi nhuyễn thể và cá biển là hơn 12.000ha, tổng sản lượng đạt hơn 55.000 tấn, đối tượng nuôi chủ yếu là ngao, hàu, cá song và cá vược. Với hình thức nuôi dàn bè, lồng treo, tập trung ở các địa phương: Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Quảng Yên, Móng Cái, Cẩm Phả…, công tác phòng bệnh trên nhuyễn thể và cá biển được các cơ quan chuyên môn quan tâm. Ông Vũ Việt Hòa, Phó Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT) cho biết: Chi cục thường xuyên tổ chức thu mẫu giám sát lưu hành một số bệnh nguy hiểm trên các đối tượng thủy sản nuôi. Đồng thời, phối hợp các địa phương Cẩm Phả và Vân Đồn tổ chức lấy 22 mẫu nhuyễn thể từ tháng 3 đến nay, kết quả không phát hiện ký sinh trùng Perkinsus olseni và Perkinsus marinus.
Diện tích nuôi tôm hiện nay của tỉnh có khoảng 7.500ha, đây là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh và người nuôi tôm luôn có nguy cơ thiệt hại rất lớn nếu xảy ra dịch bệnh. Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, các hộ nuôi cần có quy trình nuôi phù hợp để tôm phát triển khỏe mạnh. Anh Vũ Đức Tuấn (xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên), cho biết: Nắng nóng nhiều khiến dịch bệnh như đốm trắng, vi bào tử trùng… thường xuyên xảy ra với ao nuôi tôm. Gia đình tôi sử dụng nước đầu vào đi qua hệ thống lọc để hạn chế các mầm bệnh, nâng mực nước cao hơn, giảm mật độ nuôi so với các vụ khác trong năm; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học an toàn để cạnh tranh với các hại khuẩn, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất phù hợp. Đồng thời, đầu tư thêm hệ thống mái che để nhiệt độ ao không bị tăng cao. Với những loại bệnh khó chữa gia đình sẽ thông báo lên cơ quan chức năng, chủ động thu hoạch tôm sớm để giảm thiệt hại.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhất là thời điểm giao mùa. Lý do bởi sự chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa, giữa ngày và đêm khiến sức đề kháng của vật nuôi bị kém đi. Cũng theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, con giống đóng vai rất trò quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản trong bối cảnh hiện nay. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT), đối với nuôi biển bà con cần giữ môi trường nuôi sạch sẽ, mua con giống phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch; lưu ý về mật độ nuôi để đảm bảo sức tải môi trường. Việc trị bệnh trong những vùng nuôi hở rất khó khăn, gần như không hiệu quả. Với những ao, đầm có dịch bệnh chúng ta phải chốt chặn nước, xử lý nước bằng chlorine 30ppm đủ thời gian quy định rồi mới được xả nước ra môi trường. Người nuôi tuyệt đối không được vứt xác thủy sản chết, bị bệnh ra môi trường, không xả thải nước từ ao nuôi bị bệnh sang các vùng nước khác.
Sở NN&PTNT khuyến cáo người nuôi thả giống theo đúng quy hoạch, khung thời vụ, thường xuyên theo dõi, báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dịch bệnh. Chính quyền địa phương cần theo dõi kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời khuyến cáo người dân; tổ chức kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống thủy sản trên địa bàn, tuyên truyền tập huấn cho người dân bảo vệ môi trường, phòng trị bệnh, bao vây và xử lý kịp thời các ổ dịch kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân, nhằm bảo vệ và phát triển ngành thủy sản bền vững.