Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị – xã hội và là chìa khóa để phát triển toàn diện và bền vững. Xác định rõ tầm quan trọng đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức do dịch bệnh, kinh tế biến động nhưng Quảng Ninh vẫn luôn quan tâm và dành nguồn lực không nhỏ cho công tác này. Tất cả hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống toàn diện cho nhân dân, giảm khoảng cách vùng miền, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhiều chính sách kịp thời, riêng có
Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân. Hệ thống các chính sách an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện trên các lĩnh vực: xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm, ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, mở rộng các dịch vụ xã hội công cộng, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hoá, y tế và giáo dục…
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngoài những chính sách chung của cả nước, tỉnh đã ban hành hàng chục chính sách riêng có của tỉnh về an sinh, phúc lợi xã hội. Trong đó giai đoạn 2020-2022, tổng chi an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh đạt trên 6.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với trước đó. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, con số này đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% so cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ là 573 tỷ đồng). Nguồn ngân sách nhà nước chi cho an sinh, phúc lợi xã hội tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi…
Đáng chú ý, tỉnh đã dành khoảng 2.600 tỷ đồng để thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Ngoài ra, tỉnh cũng phân bổ 457 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học ngành giáo dục; dành 245 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành y tế (giai đoạn 1); 277 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, tỉnh đã bố trí 745,5 tỷ đồng chi đầu tư công để đầu tư xây dựng 12 trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh…
Đặc biệt, trong những năm đầu của nhiệm kỳ 2020-2025, khi nền kinh tế chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai rất nhiều cơ chế, chính sách mới, với mục tiêu hỗ trợ mọi tầng lớp nhân dân ổn định đời sống, phát triển sinh kế lâu dài, bền vững và được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh. Đây có thể nói là những chính sách “an dân” và “được lòng dân” của Quảng Ninh trong “cơn bão” dịch Covid-19, bởi được triển khai rất nhanh chóng, kịp thời, đa dạng đối tượng thụ hưởng. Nổi bật là Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND “Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Nghị quyết thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị chia sẻ khó khăn với người lao động, người nghèo.
Cùng với đó là triển khai thần tốc chiến dịch vắc xin phòng Covid-19 theo phương châm “đi trước, làm trước, bảo đảm tuyệt đối an toàn”. Quảng Ninh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất. Tính đến ngày 11/7/2023, tổng mũi tiêm trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đạt trên 4,2 triệu mũi, nhờ đó, sức khỏe của nhân dân được bảo vệ, hạn chế được các ca mắc Covid-19 có triệu chứng nặng phải nhập viện điều trị, số ca tử vong trên tổng số ca mắc chỉ bằng 1/10 tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Việc đi đầu thực hiện thành công Chiến lược vắc xin đã tạo hiệu quả rõ rệt, giảm sâu các ca mắc mới, đưa nhịp sống sôi động trở lại và nhanh chóng phục hồi vững chắc ngành du lịch (Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu mở cửa mạnh mẽ du lịch quốc tế thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 từ 15/3/2022), bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới, giữ vững đà tăng trưởng. Từ cách làm chủ động, hướng sự ưu tiên hàng đầu đến người dân, Quảng Ninh đã tạo được sự tin tưởng, đồng thuận rất cao.
Bà Chu Thị Phương, thôn Thành Long (xã An Sinh, TX Đông Triều), chia sẻ: Mỗi nghị quyết, chính sách ban hành chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ thực tiễn đời sống của nhân dân, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Và Quảng Ninh đã làm được điều đó, những chính sách an sinh, nhất là trong những thời điểm khó khăn, dịch bệnh thật sự đã mang đến cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người mất việc làm những món quà ý nghĩa, động viên họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Có thể nói, các cơ chế, chính sách an sinh xã hội đảm bảo nguồn lực cho lĩnh vực này là nền tảng cho tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm xuống còn 0,067%, tương ứng 258 hộ (chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Rõ nét nhất là Quảng Ninh đã đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống các trung tâm y tế cấp huyện; xây dựng hoàn thiện Bệnh viện Lão khoa; cải tạo nâng cấp Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần; cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho Trung tâm Bảo trợ tâm thần thuộc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần; nâng cấp Bệnh viện Phổi. Đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh; cải tạo, nâng cấp SVĐ Cẩm Phả thành SVĐ cấp tỉnh đảm bảo chất lượng cho các môn thi đấu tại SEA Games 31 diễn ra thành công; triển khai đầu tư dự án Công viên Tùng tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô đáp ứng nhu cầu người dân và du khách. Nhiều trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố đang được đầu tư xây dựng…
Tỉnh cũng đã thực hiện kịp thời chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi (đạt 99,8%); hỗ trợ chính sách đặc thù cho 6.218 lượt trẻ em theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng số tiền 9,84 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho 2.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; bao phủ BHYT đạt 95,2%; số người tham gia BHXH đạt 43,2% so với lực lượng lao động.
Bước sang năm 2023, quyết tâm vì hạnh phúc của nhân dân lại thêm một lần nữa được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khẳng định khi chọn chủ đề năm là: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, được ban hành tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Trong đó, nhiều chỉ tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân đã được nêu rất cụ thể. Điển hình như để hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào DTTS, Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu xoá nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh với 246 nhà trong tháng 9/2023, từ đó, giúp người dân an cư lạc nghiệp, cải thiện đời sống, nhân lên niềm tin vào Đảng và chính quyền.
Đến nay tỉnh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống. Mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; công tác y tế có nhiều chuyển biến, số giường bệnh trên 1 vạn dân gấp đôi bình quân chung của cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 5 địa phương cao nhất cả nước. Diện mạo, cảnh quan ở các địa phương thay đổi từng ngày. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đặc biệt, diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt, thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 41,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3,8 lần so với năm 2010. Quảng Ninh là tỉnh có huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, có xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Đó cũng chính là việc hướng đến các tiêu chí của “hạnh phúc” mà văn kiện Đại hội XIII đã nêu lên, trong đó cốt lõi là người dân phải được hưởng phúc lợi xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần. Từ đây tạo những giá trị niềm tin bền vững.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là quan điểm, chủ trương nhất quán trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Và càng trong hoàn cảnh khó khăn, giữa những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh thì quan điểm ấy vẫn đang và sẽ tiếp tục được cụ thể hóa bằng những chính sách thiết thực, phù hợp và kịp thời, thể hiện sự chung tay, sẻ chia đầy trách nhiệm của tỉnh đối với nhân dân. Tại kỳ họp thứ 13 vừa qua, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Với việc áp dụng theo hướng mức thu nhập cao hơn mức thu nhập quy định tại chuẩn nghèo của Chính phủ, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh và mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân năm của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD và tới năm 2030 là đạt khoảng 8.000-10.000 USD; tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo đúng quy chuẩn. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; người nông dân và cư dân nông thôn có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc và thịnh vượng.
Những chủ trương, kế hoạch của Quảng Ninh đã, đang và sẽ góp phần giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền, thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”…