Chủ nghĩa ngoại lai đã không còn được ca ngợi một cách say sưa khi những nghệ sĩ trong khu vực nhận ra vốn quý của cái gọi là bản sắc. Họ bắt tay nhau và cùng bước lên chuyến tàu âm nhạc đi xuyên… Đông Nam Á.
Để đánh thức hương vị của chính mình, làm nên một trong những điểm nóng về xu hướng và lễ hội âm nhạc của thế giới.
Khác nhưng lại giống nhau đến thế
Tháng 9-2022, MINH đặt vé sang Singapore để nghe nhạc tại ASEAN Music Showcake Festival – Lễ hội âm nhạc và showcake ASEAN, gọi tắt là AMS (từ năm 2023 đổi thành AXEAN Festival – Lễ hội âm nhạc AXEAN).
Đó là lần tổ chức trực tiếp đầu tiên sau hai năm sự kiện này phải diễn ra theo hình thức trực tuyến (vì dịch COVID-19) – với sự góp mặt của phần lớn các nghệ sĩ độc lập đến từ các nước ASEAN và một số khách mời khác ở châu Á.
MINH nhớ trong phần trình diễn hip hop với ca khúc Run The Town, rapper kỳ cựu người Thái Lan F.HERO đã kéo tất cả nghệ sĩ có mặt ở thời điểm đó lên sân khấu chung vui cùng và phát biểu: “Chúng tôi là những tiếng nói của châu Á”.
Điều đó phản ánh quan điểm của một số nghệ sĩ trong khu vực về cách “những tiếng nói của châu Á” có thể vượt qua biên giới các quốc gia trong khu vực này để “kết đoàn”.
Trong cuộc nói chuyện với Tuổi Trẻ mới đây, Thịnh Suy gọi đó là “âm nhạc của những người anh em”.
Khi nghe F.HERO nói câu đó, đứng dưới chỗ “quẩy” của khán giả, MINH thấy tỏa ra một bầu không khí hết sức đặc biệt.
Phát biểu đó gợi lên trong MINH suy nghĩ về một cộng đồng nghệ sĩ và một lớp khán giả yêu âm nhạc trong khối ASEAN đang lớn dần lên.
Họ định vị âm nhạc của khu vực bằng những tiếng nói độc lập, không hào nhoáng, đa dạng và tự do. “Có một nguồn năng lượng tích cực được đánh thức trong tôi. Mình phải có mặt ở sân khấu này vào một ngày nào đó không xa”, MINH tự nhủ.
Hơn một năm sau, tháng 11-2023, MINH, Thịnh Suy, Vũ Thanh Vân và Limebócx là những nghệ sĩ của Việt Nam góp mặt tại AXEAN Festival 2023 cùng nhiều đại diện tiêu biểu đến từ các quốc gia trong khu vực: H3F, Flower.far, KIKI, Zweed n”Roll (Thái Lan); KWAN (Campuchia); Awang Samrow (Malaysia); Motifs, Shye, Jean Goh, Inch. (Singapore); Sophia Everest (Myanmar); The Itchyworms, Alisson Shore, Ena Mori (Philippines)…
Đây là lần đầu tiên những “thanh niên văn nghệ” Việt Nam này trình diễn live tại một sân khấu mang tính khu vực (riêng Limebócx từng tham gia lễ hội này nhưng theo hình thức trực tuyến – PV).
Nôn nao nhất là MINH vì năm trước MINH đến với tư cách khán giả, năm nay lại là nghệ sĩ biểu diễn.
Mỗi nghệ sĩ có khoảng 30 phút trình diễn. Singapore những ngày đó nóng bức một cách bất ngờ. “Tôi có cảm giác phổi của mình nở ra vì thời tiết. Có lẽ vì vậy hát sung hơn chăng”, Vân cười lớn.
Vũ Thanh Vân nói cô và Thịnh Suy đã có phần biểu diễn hay nhất trong các buổi biểu diễn gần đây của họ.
Còn MINH, anh lọc ra một danh sách ca khúc chỉn chu nhất để “khoe”. Vốn đã tập luyện kỹ càng nên 30 phút trên sân khấu MINH chỉ việc “cháy” cùng ban nhạc.
Được trang web của AXEAN Festival giới thiệu có lời nhạc và giọng ca phản ánh tâm tư của một thế hệ người Việt mới, những người nhìn thấy tương lai của mình vượt ra ngoài biên giới và rào cản ngôn ngữ.
Bản thân MINH cũng chỉ sáng tác ca khúc bằng tiếng Anh, không khó hiểu khi âm nhạc của anh tìm thấy sự đồng cảm một cách dễ dàng.
Trong khi đó, Chuối và Đờ Tùng của Limebócx mang Yêu nhau (Qua cầu gió bay), Hồng Hồng Tuyết Tuyết, Thương… và hai ca khúc Hồ Tây, Mục hạ vô nhân được phổ nhạc từ thơ Nguyễn Khuyến đến với ít nhiều bối rối trong lòng.
Không biết khán giả có nghe được không nhỉ? Chuối tự hỏi. Có điều khi âm nhạc cất lên, những ranh giới quốc gia nhòe mờ đi. Khán giả nhún nhảy, lắc lư và đón nhận nhiệt tình.
Đờ Tùng kể “chúng tôi kêu gọi khán giả làm động tác chèo thuyền, họ cũng hưởng ứng”. Âm nhạc rộng mở nối liền những bến bờ xa lạ. Trên hết họ sống, hòa làm một trong thứ âm nhạc mà ai cũng biết rằng nó là đặc sản của khu vực mình.
Cũng như cách Awang Samrow, một nghệ sĩ “kỳ quặc”, “khó hiểu” và “thú vị” đến từ Malaysia trong sự kiện năm nay, anh ấy độc đáo bởi thứ âm nhạc sử dụng phương ngữ Terengganu thay vì tiếng Mã Lai như phần đông nghệ sĩ nước này.
Hay “hiện tượng âm nhạc Campuchia” VannDa ở vài mùa trước, cách anh ấy kết hợp rap với âm nhạc truyền thống đã khiến tên tuổi anh lên một tầm cao mới.
Rõ ràng, âm nhạc không chỉ là “tiếng nói mã vạch” của nghệ sĩ, nó còn bắc những chiếc cầu chu du qua những vùng miền văn hóa khác nhau.
“Cuối buổi biểu diễn khán giả còn xin chữ ký của Limebócx nữa. Đây là một kỷ niệm rất vui của chúng tôi”, Limebócx dùng chữ “tươi mới” để kể về trải nghiệm của họ khi chơi nhạc “xuyên biên giới” cùng những người anh em trong khu vực.
Những nghệ sĩ Việt Nam đến đây hát ca vui vầy. Họ còn đến để thưởng ngoạn “bộ sưu tập tiếng nói” của châu Á, đặc biệt là của khu vực.
Thịnh Suy kể anh ấn tượng với H3F – một ban nhạc gồm bốn thành viên đến từ Thái Lan nổi tiếng với sự kết hợp độc đáo giữa nhạc blues, RnB, jazz, soul, funk và pop. Họ đã chơi một phần trình diễn “rất máu lửa” và ở mức chuyên nghiệp cao.
Tác giả của Một đêm say còn thích một nhóm nhạc đến từ Nhật Bản tên HOME vì “âm nhạc của họ khá thể nghiệm và phong cách trình diễn rất ngầu”.
Vũ Thanh Vân thì khoái ban nhạc Thái Lan KIKI bởi thứ âm nhạc thoải mái của họ. Họ sẽ đi rất xa trong tương lai.
Trước đó, MINH từng biết Flower.far của Thái qua mạng nhưng chưa khi nào nghe cô hát live nên lần này được nghe trực tiếp thì rất đã. Đó là một giọng hát độc đáo và nội lực.
MINH cũng thích The Itchyworms – một ban nhạc pop rock nổi tiếng của Philippines, tuổi đời khá cao so với dàn nghệ sĩ tham gia lễ hội nhưng “năng lượng của họ đúng là không phải dạng vừa đâu”.
AXEAN Festival đang đi được xa hơn, dài hơn và vượt thoát khỏi khuôn khổ của một dự án âm nhạc ban đầu để trở thành một lễ hội có tính chất rộng mở nhất của khu vực.
Ở đó, hòa vào mâm nhạc chung, mỗi đại diện đến đây đều giới thiệu những thứ hay nhất của họ.
Họ chơi các thể loại nhạc hiện đại/đương đại pha trộn hương vị địa phương và truyền thống; trong khi đó khán giả là đối tượng thụ hưởng không khí của một lễ hội thực thụ: cởi mở, tự do, phóng túng và rất… “chill”.
Chúng ta khác nhau nhưng lại giống nhau đến thế.
Đông Nam Á – ngôi sao đang lên
Thực ra, một số nghệ sĩ trong khu vực đã họp lại với nhau từ lâu; những năm qua cũng đã có những cuộc chơi chung ở phạm vi lẻ tẻ.
Tuy nhiên, phải đến khi dự án AMS ra đời (2020) thì sự hợp tác mới đi vào bài bản với năm nước thành viên, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Từ năm 2021, AMS có thêm hai nước thành viên Campuchia và Việt Nam; năm 2022 có thêm Lào, Myanmar.
Cứ thế, mỗi năm, bên cạnh những chân dung có tên tuổi, lễ hội này giới thiệu thêm những nghệ sĩ tài năng mới của khu vực cùng các đại diện là các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa/nghệ thuật/âm nhạc. Một khối đa diện trong âm nhạc đang dần thành hình.
Đây cũng là lễ hội được tổ chức thường niên, nhằm giới thiệu âm nhạc mang tính khu vực đầu tiên của Đông Nam Á, qua đó giúp các nghệ sĩ địa phương chủ động giới thiệu âm nhạc của họ đến với những người kinh doanh âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới.
Người đồng sáng lập AMS – Piyapong ‘Py’ Muenprasertdee – cho rằng dù ngôn ngữ và phong tục khác nhau, Đông Nam Á là khu vực chung, giàu có về mặt di sản văn hóa, lịch sử.
Sau ba lần tổ chức thành công, năm 2023 lễ hội này muốn đưa ra tuyên bố về cam kết “khuếch trương” âm nhạc khu vực đi xa hơn bằng cách đổi tên sự kiện thành AXEAN Festival, với chữ “X” tượng trưng cho giá trị cốt lõi về sự hợp tác và xuyên biên giới bất kể khác biệt ngôn ngữ hoặc văn hóa, đồng thời thu hút các nghệ sĩ và người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đến đây và chia sẻ âm nhạc của họ.
Chị Mai Thang – nghiên cứu kinh doanh âm nhạc tại Học viện Âm nhạc đương đại Anh – nói vui cái hay nhất của AXEAN Festival là “la lên cho bên ngoài biết âm nhạc trong khu vực của chúng tôi, các nghệ sĩ đến từ Thái, Indonesia, Campuchia, Việt Nam… cũng hay, thú vị thế này đây”.
Ban tổ chức đã bắc hộ một cái cầu để các nghệ sĩ giao lưu cũng như có cơ hội hơn trong ngành công nghiệp âm nhạc đang ngày một phát triển.
Theo dõi âm nhạc quốc tế những năm qua, Mai Thang nói đã qua rồi cái thời âm nhạc phương Tây được xem là đích đến của mọi nền âm nhạc.
Sự say sưa chủ nghĩa ngoại lai trước đây cũng đã không còn là một thách thức. Thay vì hướng về bên ngoài, nhiều nghệ sĩ trong khu vực đã nhận ra sức mạnh nội sinh của chính họ và cùng nhau bắt tay gầy dựng và phát triển cộng đồng âm nhạc của riêng mình. AXEAN Festival là một ví dụ.
Chị bị hấp dẫn bởi tính đa dạng của âm nhạc cộng đồng này. Khác với âm nhạc phương Tây, âm nhạc Đông Nam Á có những cái màu rất đặc biệt.
Sau màn trình diễn trên sân khấu, Thịnh Suy xuống vị trí khán giả để thưởng thức âm nhạc của những nghệ sĩ khác trong khu vực.
Trong không gian âm nhạc có phần thân mật và trương nở, anh như rơi vào một cơn say mê mới. Đó là những nốt, những gam nhạc quá đẹp, giục giã sự khai phá bản sắc âm nhạc của Việt Nam trong khu rừng âm nhạc anh em.
* * *
AXEAN Festival chỉ là một câu chuyện, một ví dụ cho thấy sự trưởng thành về ý hướng của nghệ sĩ trong khu vực khi nhận ra đích xác con đường mà họ nên đi cho trọn.
Còn nhiều sự kiện khác trong những năm qua cho thấy hành trình âm nhạc đi xuyên… lục địa để biểu đạt sức mạnh kết đoàn và khuếch đại tiếng nói của khu vực như POW Fest 6 (Thái Lan), Malaya Music Fest (Philippines), We The Fest, 88rising’s Head In The Clouds (Indonesia), Creamfieldsin Bangkok (Thái Lan)…
Là một phần của âm nhạc Đông Nam Á, Việt Nam vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2023, đang trở thành miền đất hứa của những live concert mang tính quốc tế, điểm dừng chân của sao quốc tế trên con đường đi tour của họ.
Việt Nam phải làm gì để “đón” cơn sóng đó, để không bỏ lỡ những cơ hội hợp tác từ cuộc đi xuyên… ký ức, di sản và văn hóa của cả khu vực?