Chuyên gia nhận định vụ sao kê tiền ủng hộ đồng bào bão lũ đã lột mặt nạ của rất nhiều kẻ đạo đức giả, làm màu, phông bạt, nhưng cũng cho thấy những giá trị thật, những con người đã nói thật và làm thật.
Những ngày qua, trái tim cả nước hướng về miền Bắc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Nhiều hình ảnh, thông tin từ vùng lũ khiến chúng ta quặn thắt vì xót xa, đau đớn và mất mát.
Bên cạnh sự sẻ chia, nghĩa cử cao đẹp, việc một số cá nhân làm giả biên lai tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc, ăn chặn tiền từ thiện gây ra nhiều tranh luận.
Lấy từ thiện để câu view là vô cảm
Trao đổi với PV, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng hành vi làm giả biên lai tiền từ thiện để khoe mẽ trên mạng xã hội không đơn thuần là hệ lụy của lối sống ảo, câu view bất chấp, mà còn là sự vô cảm của con người đối với đồng bào mình.
Theo chuyên gia, hoạt động thiện nguyện trong văn hóa của người Việt Nam xuất phát từ nghĩa cử sống cao đẹp “thương người như thể thương thân”, là sự đoàn kết, đùm bọc, “lá lành đùm lá rách/ lá rách ít đùm lá rách nhiều”, là sự tương trợ gọi nhau thân thương hai tiếng đồng bào.
Hiển nhiên nghĩa cử ấy chưa bao giờ là hành động xin – cho mà là lương tâm của người may mắn hơn đối với người ít may mắn hơn.
“Bất cứ hành vi nào xem nỗi đau của đồng bào mình là dịp hay cái cớ để đánh bóng tên tuổi thông qua hoạt động thiện nguyện đều phi nhân tính, phản nhân văn, đi ngược lại lối sống, ứng xử văn hóa của người Việt. Hành vi này không đơn thuần là lối sống ảo, câu view bất chấp, mà còn là sự vô cảm của con người đối với đồng bào mình”, chuyên gia nhận định.
Chuyên gia đánh giá hệ lụy của việc lấy từ thiện để câu view, sống ảo là làm xấu đi ý nghĩa cao cả của hai từ thiện nguyện.
“Hành vi này cũng làm giảm đi sức mạnh đoàn kết, cùng hướng về đồng bào đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, địch họa. Và rồi, chính sự vô cảm từ lối sống ảo sẽ khiến những người tốt trong xã hội trở nên e dè, thận trọng trước hoạt động thiện nguyện. Đây mới chính là cốt lõi của vấn đề”, ông Ngô Hương Giang chia sẻ.
Ai sợ sao kê?
Sau khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tung ra hàng chục nghìn trang sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ, nhiều sự thật sáng tỏ.
Có những cá nhân ủng hộ hàng trăm triệu hay hàng tỷ đồng không ai biết mặt, thậm chí không đề tên nhưng cũng có người góp 10.000 đồng lại khống lên hàng trăm lần để “phông bạt” đánh bóng tên tuổi.
Sự việc ồn ào đến mức có ý kiến đề xuất nên lấy đây làm ngày “phông bạt Việt Nam” hay “Đại hội sao kê”.
Bàn luận về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho biết mặt tích cực của hoạt động sao kê là làm minh bạch các khoản thu chi trong quá trình thiện nguyện.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt nặng vấn đề sao kê mà quên đi ý nghĩa quan trọng nhất của hoạt động thiện nguyện là sự đáp ứng kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần đối với người đang gặp khó khăn, thì khi ấy mọi sự sao kê đều vô nghĩa.
“Vật chất nhiều hay ít chưa hẳn là vấn đề trong khó khăn bão lũ, mà chính là tấm lòng của người tham gia thiện nguyện phải kịp thời, đúng thời điểm. Đôi khi sao kê chỉ là vấn đề thủ tục. Hãy cứ cứu người và làm bằng cái tâm của mình. Tôi tin rằng không ai lại khắt khe với người tốt, người vừa cứu mình ra khỏi khó khăn, hiểm nguy. Chỉ những cá nhân coi hoạt động thiện nguyện là dịp để trục lợi mới phải sao kê, mới sợ phải làm việc tốt, mới sợ phải đi vào rốn lũ để cứu người”, ông Ngô Hương Giang nói.
Cùng trao đổi với PV, chuyên gia xử lý khủng hoảng truyền thông Lê Ngọc Sơn – Chủ tịch Hãng Quản trị Danh tiếng Berlin Crisis Solutions (BCS) – cho rằng vụ sao kê vừa qua đã lột mặt nạ của rất nhiều kẻ đạo đức giả, làm màu, phông bạt, nhưng cũng cho thấy những giá trị thật, những con người đã nói thật và làm thật.
Theo chuyên gia Lê Ngọc Sơn, chúng ta nên nhìn sự việc ở cả góc độ tích cực, thay vì chăm chăm bóc mẽ, vạch trần những cá nhân làm màu, phông bạt, dối trá.
“Vụ sao kê không chỉ lột trần những bộ mặt dối trá mà còn là những câu chuyện xúc động về tinh thần tương thân tương ái, hướng về đồng bào bão lũ, là hình ảnh truyền cảm hứng về tinh thần thiện nguyện đang được nhân rộng trong cộng đồng. Tôi nghĩ rằng việc làm từ thiện đang là nhu cầu tự thân của nhiều cá nhân. Rõ ràng, hiệu ứng chuyển tiền hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi từ thiện, thiện nguyện đã và đang được kích hoạt rất tích cực trong cộng đồng”, chuyên gia nhấn mạnh.