Vẫn có những nàng hậu nhận được cảm tình của công chúng, nhưng nhìn chung hễ nhắc đến các cuộc thi hoa hậu và hoa hậu, á hậu, nhiều người ngán ngẩm?
Vài ngày qua, vấn đề hoa hậu lại nóng lên trên các diễn đàn, nhất là khi tối 3-8, sau cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam ở tỉnh Quảng Ninh và Miss Grand Vietnam (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) tại tỉnh Bình Thuận, Việt Nam có thêm 2 hoa hậu và 6 á hậu.
Chưa kể chỉ trước đó một ngày, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân hoàn vũ Việt Nam 2024 diễn ra ở tỉnh Bình Thuận cũng cho ra “lò” 1 hoa hậu và 3 á hậu.
Không còn tin nữa?
Hai bài viết “Trong một đêm, Việt Nam có thêm 2 hoa hậu và 6 á hậu” và “Trước còn nhớ tên, giờ chào thua vì hoa hậu đông như quân Nguyên” (cùng đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 4-8) đều thu hút nhiều bình luận của độc giả.
Đa số bạn đọc cho rằng “đâu ra mà lắm hoa hậu thế không biết”, “cái gì nhiều sẽ bị loãng, giảm giá trị”, thậm chí “không có giá trị gì cho xã hội”.
Trên một diễn đàn, một người bình luận thẳng: “Chả ai thèm tin vào các cuộc thi hoa hậu nữa”.
Có người còn liệt kê những thí sinh “thất bại” ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 nhưng lại đăng quang ngôi vị cao nhất các cuộc thi khác nhau.
Trong đó có Võ Lê Quế Anh – cái tên đang gây bão mạng vài ngày qua khi trở thành Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Trước khi đến với cuộc thi này, Quế Anh chỉ nằm trong top 40 của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020.
Vẫn biết mỗi cuộc thi có một tiêu chí riêng, có người đẹp không phù hợp cuộc thi nhan sắc này nhưng biết đâu lại hợp cuộc thi khác. Nhưng việc các người đẹp “bền bỉ” chạy đua vương miện hết năm nay đi thi năm sau khiến không ít người ngán ngẩm.
Có người bình luận: “Trừ một số người đẹp chăm chỉ hoạt động cộng đồng, được yêu mến, nổi bật như H”Hen Niê thì nhìn lại có nhiều hoa hậu, á hậu sau cuộc thi mất bóng hoặc hoạt động cộng đồng mờ nhạt, không giống như họ đã hứa. Vậy cần nhiều hoa hậu, á hậu để làm gì?”.
Chưa kể có không ít nghi vấn chạy giải, mua bán giải, bán dâm… lâu nay vẫn râm ran khiến niềm tin của nhiều người với các cuộc thi hoa hậu ngày càng sụt giảm.
Trong thực tế cơ quan công an cũng đã phá không ít vụ hoa hậu bán dâm, lừa đảo, làm cho hình ảnh hoa hậu càng trở nên xấu xí.
“Dư thừa”, “giảm giá trị”
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nói với Tuổi Trẻ Online các cuộc thi hoa hậu giờ thực chất là những sản phẩm giải trí. “Có cầu ắt có cung. Khi cung vượt quá cầu thì nó trở nên dư thừa và giảm giá trị”, ông đánh giá.
Theo ông Vinh, trước đây khi số lượng các cuộc thi hoa hậu còn ít thì người ta quan tâm nhiều hơn, thậm chí khoác cho nó những giá trị lớn lao như biểu tượng của sắc đẹp quốc gia.
Song “khi nó phát triển quá đà, quá nhiều các cuộc thi nhan sắc như ngày hôm nay, đương nhiên không còn được coi trọng như trước”.
“Chưa nói đến chất lượng các cuộc thi, phẩm chất của các thí sinh, ý nghĩa của các cuộc thi này cũng trùng chéo, nhiều khi đại diện cho những giá trị không mang tính biểu tượng lớn nên mức độ hấp dẫn giảm sút”, ông nói thêm.
Ông chia sẻ theo quy luật thị trường, cái gì thừa thãi, không đúng kỳ vọng và nhu cầu của công chúng thì sẽ mất thị phần, mất chỗ đứng và sẽ bị triệt tiêu.
“Một thời gian nữa, thị trường sẽ tự điều tiết, giữ lại những cuộc thi – những sản phẩm tốt, còn những cuộc thi – những sản phẩm không cạnh tranh được sẽ phải thoái lui”, ông dự đoán.